Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh này xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân, nhưng năm nay bệnh bùng phát và diễn biến mạnh trong mùa hè.
BS Trần Tiến Tùng - Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, người dân mọi độ tuổi, cả nam và nữ đều có thể mắc cúm, đặc biệt trong giai đoạn cúm bùng phát cùng bệnh sốt xuất huyết, COVID-19. Vì vậy, để chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
- Bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
- Tất cả mọi người >6 tháng tuổi nên tiêm chủng cúm hàng năm (do các chủng virus cúm có thể thay đổi hàng năm), đặc biệt ưu tiên nhóm trẻ từ 6 tháng đến 4 tuổi, người >50 tuổi, có bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạn tính, bệnh thận, gan, rối loạn huyết học, chuyển hóa (gồm tiểu đường, người suy giảm miễn dịch), phụ nữ mang thai…
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
Biến chứng nguy hiểm của cúm
Theo các chuyên gia từ Hệ thống tiêm chủng VNVC, virus cúm khởi động quá trình bão cytokine, từ đó làm nứt vỡ mảng xơ vữa động mạch. Virus cúm cũng làm tim đập nhanh, thiếu oxy, viêm cấp, giải phóng cytokine, co thắt mạch, nứt vỡ mảng xơ vữa, hình thành huyết khối, từ đó dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Biến chứng viêm phổi thường gặp ở đối tượng là trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.
Ngoài ra, bệnh còn gây ra viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu. Cúm A có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim.
Bệnh dễ chuyển thành ác tính đối với các trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ.
Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm mùa là hội chứng Reye (gây sưng tấy trong gan và não). Mặc dù hội chứng này rất ít gặp nhưng biến chứng rất trầm trọng và tỷ lệ tử vong rất cao.
Hội chứng Reye thường gặp nhất ở trẻ từ 2 đến 16 tuổi, vài ngày sau khi bị cúm. Khi các triệu chứng của cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và nôn mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ chuyển mê sảng, co giật rồi đi dần vào hôn mê và tử vong.
Bệnh cúm ở phụ nữ mang thai hay gây biến chứng phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc trong 3 tháng đầu có thể gặp bệnh lý ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, không gây quái thai.
BS Trần Tiến Tùng cho biết thêm, triệu chứng đặc trưng cúm là sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi, nhưng có thể nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường và cúm. Vì vậy, xét nghiệm được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cúm.
Việc chẩn đoán chính xác cúm có ý nghĩa quan trọng trong việc phát hiện sớm bệnh để làm giảm việc sử dụng kháng sinh không đúng và lựa chọn liệu pháp kháng virus. Đồng thời, chẩn đoán kịp thời bệnh nhân được cách ly và điều trị, nên hạn chế biến chứng và khả năng lây lan ra cộng đồng, người xung quanh.
Bình luận