Còn nhớ Tết năm ấy, đến chúc Tết thầy và hoan hỉ vì được nhận phong bao lì xi chứa đựng pháp trừ bỏ tham, sân, si từ bậc thầy đáng kính, đạo pháp cao thâm, người đệ tử kính cẩn đặt phong bao lên bàn thờ, thắp ba nén nhang, đọc một thời kinh rồi mới trân trọng mở ra. Trong phong bao chỉ có 6 tờ tiền lẻ mệnh giá 1.000 đồng, một mảnh giấy nhỏ ghi lời dạy của Đức Phật.
Người đệ tử nghĩ thầy nghèo, chùa quê tiền công đức chẳng được bao nhiêu nên chỉ phát vốn được thế thôi. Chùa nghèo, thầy nghèo, đệ tử nghèo nên bấy nhiêu là đủ. Nhớ lời Phật "biết đủ là đủ" mà thầy đã dạy, anh cảm thấy ấm lòng hơn.
Nhưng dù sao, thỉnh thoảng người đệ tử vẫn thấy man mác buồn thương chùa nghèo, thầy mình sống thanh bần đạm bạc…
Một bận, đem chuyện ấy tâm sự với thầy, thầy chỉ mỉm cười, miệng niệm: "Nam mô Bổn sư Bụt Thích Ca Mâu Ni!". Lâu sau, thầy mới nói: “Bao giờ con hiểu được ý nghĩa trong phong bao của thầy, con sẽ mở được cả một kho tàng trí tuệ!”.… Rồi trong quá trình tu tập theo thầy, anh mới thấy thầy chuẩn bị phong bao lì xì cho ngày Tết từ rất sớm và rất cẩn thận. Thầy chuẩn bị món quà Tết cho những người tới thăm chùa năm tới bằng rất nhiều tâm sức.
Sau ngày rằm tháng Giêng, thầy dặn các vãi đến chấp tác chọn ra những tờ tiền lẻ, tờ mới để nguyên, tờ cũ hơn vuốt phẳng cho vào những túi vải điều. Thầy để những túi ấy vào chiếc thùng riêng bên bàn thờ.
Một ngày có bao nhiêu thời kinh thì những đồng tiền công đức mà khách đến chùa đặt lên bàn thờ, cho vào hòm công đức ấy đều được nghe lời kinh của thầy và chư tăng trong chùa. Gần đến Tết, thầy mới cùng chư tăng cẩn thận lấy ra, cho vào phong bao lì xì, cùng một lời dạy của Đức Phật, sau đó dâng lên bàn thờ Phật, đến Giao thừa hay dịp Tết mới trao cho đệ tử đạo tràng và khách đến thăm chùa.
…Ngẫm lại phong bao lì xì năm trước, anh mới thấm thía: Trong đạo Phật vốn không có tục lì xì năm mới, nhưng khi các thầy, tổ đến nước mình thì hòa quyện với phong tục lâu đời của dân tộc để đạo gần gũi với đời, đưa đời đi theo đạo.
Phong bao màu đỏ phù hợp với nguyện vọng của người dân địa phương mong muốn một năm mới tốt lành bởi màu đỏ tượng trưng cho ngọn lửa, cho sự ấm no và may mắn…
Ngày Tết ai cũng mong muốn thêm tiền tài, nên có một chút tiền trong phong bao càng đem lại niềm vui. Nhưng chỉ tiền thôi thì không đủ. Đồng tiền phải mang một ý nghĩa cao thâm, uyên áo hơn. 6 hay 8 đồng tiền, hay mệnh giá chứa đựng số 6 hay số 8 là lời chúc năm mới lộc tài tăng tiến, phát tài phát lộc như mong muốn của cuộc sống đời thường.
Thế mới biết, giá trị thông tục của số tiền có thể không lớn, nhưng lớn lao ở sự thành tâm trong lời chúc lộc, phát của người trao tặng. Trao tặng không phải số tiền nhỏ bé mà là lời chúc chân tình cho sự may mắn, phát đạt trong năm mới.
Cao hơn nữa là lời Phật dạy. Nếu năm đó, ta suy ngẫm, ta học hỏi, ta hành trì được theo lời dạy của bậc đại minh sư thì thân tâm ta thêm an lạc, đạo đức ta càng tinh tấn, ta sẽ mang lại được sự thiện lành cho chính mình, cho gia đình mình, cho những người xung quanh.
Sống bao nhiêu năm trong đời, mỗi năm nhận được một lời dạy sáng suốt, mỗi năm hoàn thiện thân tâm từ phong bao lì xì, chúng ta sẽ dần dần trừ bỏ được tham, sân, si để ung dung tự tại trong cuộc đời.
Từ niềm vui nho nhỏ của đời thường, người biết thực hành sửa đổi đạo đức, hoàn thiện chính mình sẽ tự có an lạc, đem lại được nhiều an lạc cho nhân quần xã hội, khiến cho chính mình và xã hội được tốt đẹp hơn.
Bình luận