• Zalo

Phối hợp quản lý và truy tìm đối tượng bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn

Tin tứcThứ Sáu, 06/05/2022 22:31:29 +07:00Google News
(VTC News) -

Các bên sẽ phối hợp khảo sát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật và của Bộ Y tế tại một số cơ sở y tế đang điều trị đối tượng bắt buộc chữa bệnh.

Lễ ký kết kế hoạch phối hợp giữa Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Vụ 8 thuộc Viện KSND Tối cao) với Cục Quản lý khám, chữa bệnh (thuộc Bộ Y tế) đã diễn ra chiều 6/5.

Việc ký kết giữa hai cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong công tác quản lý, điều trị đối tượng áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Phối hợp quản lý và truy tìm đối tượng bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn - 1

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê và Vụ trưởng Vụ 8 Lương Minh Thống trao bản ký kết kế hoạch phối hợp. (Ảnh: Lê Hảo)

Theo kế hoạch, hai bên sẽ phối hợp về tiếp nhận, xử lý thông tin; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; khảo sát nắm tình hình chấp hành quy định trong quản lý đối tượng chữa bệnh bắt buộc.

Hai bên cũng sẽ phối hợp trong tham mưu nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản hướng dẫn mâu thuẫn, chồng chéo hoặc chưa phù hợp thực tiễn như Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ về thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.

Dự kiến trong quý III/2022, các bên sẽ phối hợp khảo sát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật và của Bộ Y tế tại một số cơ sở y tế đang điều trị đối tượng bắt buộc chữa bệnh ngoài bệnh tâm thần.  

Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, hiện tổ chức giám định pháp y tâm thần thuộc ngành Y tế gồm 7 đơn vị. Trong đó có 2 Viện Pháp y tâm thần Trung ương và 5 Trung tâm pháp y tâm thần khu vực (miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, TP. HCM, Tây Nam Bộ).

Theo quy định tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn Quy định việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, hiện nay có 5 cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, gồm 2 Bệnh viện Tâm thần Trung ương, 2 Viện Pháp y tâm thần Trung ương và Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng thuộc Sở Y tế Đà Nẵng.

5 cơ sở này chịu trách nhiệm điều trị cho các đối tượng tại các địa phương phân bố theo các khu vực địa lý, đảm bảo bảo phủ cho cả nước.

Theo thống kê hiện nay, mỗi trung tâm đang phải thực hiện điều trị bắt buộc cho khoảng 600 bệnh nhân với tính chất bệnh đa dạng, phức tạp và vô cùng nguy hiểm. Một số đối tượng phạm tội nghiêm trọng như giết người.

Thực tế, việc tiếp nhận, điều trị và quản lý các đối tượng này trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, gây nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế cũng như cơ quan tố tụng, đe dọa an ninh, an toàn của nhân viên y tế và cộng đồng.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn hy vọng kế hoạch phối hợp của 2 đơn vị sẽ triển khai thành công và mang lại nhiều thuận lợi cho cơ sở điều trị bắt buộc chữa bệnh, cho các cơ quan quản lý cũng như các cơ quan tố tụng; tham mưu cho lãnh đạo các Bộ để sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp.  

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị lãnh đạo Bộ Công an, Cục C11 quan tâm, chỉ đạo lực lượng công an trên địa bàn các cơ sở bắt buộc chữa bệnh đóng trụ sở phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác phối hợp quản lý và truy tìm đối tượng bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn.

Thanh Hải
Bình luận
vtcnews.vn