• Zalo

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ ĐH, CĐ là yêu cầu từ thực tế

Giáo dụcThứ Bảy, 20/12/2014 08:28:00 +07:00Google News

Sáng 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Đại hội thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.

(VTC News) - Sáng 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Đại hội thành lập Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội cho biết đến thời điểm diễn ra Đại hội đã có 372 trường ĐH, CĐ và cá nhân gia nhập.

Đây sẽ là nơi tất cả các trường ĐH, CĐ trong cả nước có thể tập hợp cùng nhau để chia sẻ mọi vấn đề của giáo dục ĐH, tìm thấy sự tương đồng, gắn kết cùng nhau tạo được sức mạnh mới, hướng phát triển mới, cách làm mới, tạo tiền đề cho bước đột phá của giáo dục ĐH Việt Nam.

“Hiệp hội là một tổ chức bất vụ lợi, tồn tại là để nhằm đóng góp cho sự phát triển nền ĐH nước nhà, trực tiếp xây dựng nguồn nhân lực trình độ và chất lượng cao, góp phần quan trọng xây dựng sức mạnh trí tuệ của đất nước”, GS Trần Hồng Quân nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu khuyến khích các trường ĐH, CĐ chủ động tham gia xếp hạng khu vực và thế giới để biết mình đang ở đâu, mình như thế nào. Ảnh: VGP/Đình Nam 
Các ý kiến, tham luận của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, một số hiệu trưởng trường ĐH, CĐ... bày tỏ sự tin tưởng, kỳ vọng vào sự hoạt động của Hiệp hội sẽ là bước đột phá trong nâng cao chất lượng giáo dục đất nước, đặc biệt là giáo dục ĐH.

Trao đổi cởi mở với các đại biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng, có tính quyết định đối với mọi quốc gia. 

Việt Nam muốn vượt lên, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển thì phải có sự đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đây là nhiệm vụ, thách thức rất khó khăn cần phải vượt qua với sự nỗ lực, cố gắng của nhiều ngành nhưng trước hết có phần trách nhiệm của giáo dục ĐH, CĐ.

Phó Thủ tướng dẫn số liệu nghiên cứu cho thấy một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp do 80% nhân lực làm quản lý và 60% kỹ sư đều chưa đủ kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế trong khi chỉ 20% lao động giản đơn thiếu kỹ năng. Điều đó có nghĩa đào tạo lao động càng lên bậc cao càng có vấn đề.

Không chỉ hạn chế về chất lượng, mà số lượng nhân lực có trình độ CĐ, ĐH ở Việt Nam vẫn còn thấp so với quy hoạch đến 2020 và so với khu vực, thế giới mặc dù trường ĐH, CĐ mới lập nhiều nhưng điều kiện không đảm bảo.

“Nếu chúng ta đào tạo ra nhiều lao động nhất với chất lượng cao nhất có thể thì sẽ khuyến khích các DN trong nước, nhà đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất, và sử dụng tối đa nguồn nhân lực được đào tạo”, Phó Thủ tướng nói.
Quang cảnh Đại hội
Quang cảnh Đại hội. Ảnh: VGP/Đình Nam  
So sánh về quá trình đổi mới đã giảm số DNNN từ hơn 11.000 đơn vị xuống dưới 1.000 trong khi số lượng các trường ĐH, CĐ công lập tăng lên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ngân sách Nhà nước không thể tiếp tục bao cấp vì như vậy chất lượng đào tạo không thể nâng lên được.

Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, trong đó tự chủ ĐH (cả về đào tạo, tài chính, tổ chức…) là tất yếu.

“Tự chủ không có nghĩa là buông lỏng, không có chính sách cho đối tượng chính sách, đối tượng nghèo, cho những ngành Nhà nước cần đào tạo nhưng chúng ta sẽ làm theo cơ chế đặt hàng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ tự chủ tài chính, thậm chí hoạch toán như DN, các trường ĐH, CĐ cần tự chủ về học thuật, về tổ chức để cạnh tranh lành mạnh, hợp tác, cùng nhau khắc phục những điểm yếu, khiếm khuyết.

Đặc biệt, các trường ĐH phải tìm mọi cách để làm nghiên cứu khoa học, vốn gắn với uy tín nhà trường, liên quan tới năng lực đào tạo, truyền thụ kiến thức, gắn liền với năng lực sáng tạo khoa học, khả năng thu hút được các nhà khoa học có uy tín làm việc, giảng dạy.

Đây sẽ là cơ sở để các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam chủ động thực hiện chuẩn hóa đầu ra theo tiêu chuẩn quốc tế và có bước đi tích cực tham gia vào xếp hạng các trường ĐH quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế từ quản lý, giảng dạy đến học liệu, nghiên cứu trong giáo dục ĐH.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội. Ảnh: VGP/Đình Nam  
Với chức năng, tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình, Phó Thủ tướng cho rằng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong phản biện chính sách; nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho ĐH, CĐ phát triển; đánh giá xếp hạng, phân tầng ĐH, CĐ.

“Tôi rất muốn Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT động viên các trường tham gia nghiên cứu những chính sách chung của cả nước, vì các trường có đội ngũ trí thức đông đảo. Đây là yêu cầu rất lớn nhưng không phải quá tầm”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ KH&CN, các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ theo tinh thần cơ quan quản lý Nhà nước chỉ làm những việc xã hội không làm được như: Tổ chức thi tuyển, kiểm định chất lượng đào tạo; tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hiệp hội hoạt động hiệu quả và phát triển vững chắc.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn