Đây là thông điệp được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị chuyển đổi số y tế Quốc gia sáng 30/12 tại Hà Nội.
Y tế cùng với giáo dục là 2 lĩnh vực được ưu tiên đầu tiên trong chuyển đổi số. Vì vậy, Phó Thủ tướng kỳ vọng, hội nghị sẽ đặt dấu mốc quan trọng, tạo thêm động lực, làm rõ các định hướng, giải pháp giúp ngành y tế tiếp tục thành công trong chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không phải thay đổi kỹ thuật
Phó Thủ tướng nhìn nhận, ngành y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin nhiều năm qua và giờ có những kết quả rõ hơn. Dù chặng đường phía trước còn rất dài và không ít khó khăn nhưng những kết quả đạt được ngày hôm nay cho thấy, nếu có lòng tin, tiếp tục làm sáng tạo, tập trung, đồng bộ có thể đạt được mục tiêu đề ra.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 nói rất nhiều nhưng làm thế nào tận dụng thời cơ từ đó? Điều chắc chắn, muốn tận dụng được chúng ta phải quyết tâm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi ngõ ngách của cuộc sống”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, công nghệ thông tin thực sự là công cụ không thể thiếu và hết sức hữu hiệu trong phòng, khám và chữa bệnh. Vì vậy, chuyển đổi số y tế không thể không làm, không chỉ phục vụ mục tiêu minh bạch hoá toàn xã hội mà còn đảm bảo giải trình của tất cả cơ sở y tế, tiến tới giải trình của từng nhân viên y tế với người bệnh.
Phó Thủ tướng cho biết, để đẩy mạnh chuyển đổi số y tế, trước hết cần có hành lang pháp lý, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật, đặc biệt là cơ chế tài chính.
Từ trước đến nay, ngành y tế chỉ cố gắng tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đưa công nghệ thông tin vào giá chi phí quản lý nhưng giờ phải thay đổi nhận thức, coi công nghệ thông tin như máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao... để hạch toán.
Trong bối cảnh Việt Nam là nước đi sau với mức thu nhập trung bình thấp, ngân sách nhà nước hạn chế, chiến lược chuyển đổi số không thể đi theo các nước phát triển. Giờ phải làm đồng bộ trên quy mô toàn quốc, làm từ dưới lên, không phải từ trên xuống như thế giới.
“Chúng ta dành ngân sách cho giáo dục, y tế nhưng con số tuyệt đối không thể so với các nước khác. Chúng ta cũng mở rộng BHYT được hơn 90% dân số nhưng mệnh giá thấp, không bằng 1/10 so với các nước phát triển”, Phó Thủ tướng dẫn chứng.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể tự tin. Thứ nhất, Việt Nam có dữ liệu rất lớn từ gần 100 triệu dân. Trong tương lai, dữ liệu là thế mạnh. Thứ hai, nước ta có đội ngũ làm công nghệ thông tin rất sáng tạo, năng động.
Theo Phó Thủ tướng, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin không đơn giản là kỹ thuật mà là thay đổi thói quen, suy nghĩ, cách làm, cần sự kiên quyết trong chỉ đạo và cần thống nhất, đồng bộ.
Mục tiêu cao nhất của chuyển đổi số y tế là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân, song theo Phó Thủ tướng, có nhiều mục đích nhỏ hơn, trước tiên phục vụ ngay nhu cầu quản lý của Bộ, địa phương, cơ sở khám chữa bệnh.
“Ngành y tế nói quản lý thống nhất toàn quốc nhưng khi tôi sang Bộ Y tế hỏi có bao nhiêu cái máy thở trên toàn quốc, có bao nhiêu bác sĩ về chuyên ngành này, trình độ thế nào...Bộ nói cung cấp được nhưng khi bảo in ra thì không có”, Phó Thủ tướng nói.
Hay tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, lãnh đạo yêu cầu thống kê toàn bộ vật tư thiết bị, máy móc để cập nhật lên hệ thống quản lý công sản nhưng 6 tháng mới làm được 1 khoa.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt bệnh viện lớn có hàng chục nhà thầu, hàng trăm phần mềm, hàng ngàn máy tính nhưng có kho đắp chiếu nhiều năm không dùng, khi hỏi để minh bạch hoạt động, không thống kê được.
“Trước nay Bộ quản lý của Bộ, địa phương quản lý bên dưới. Mỗi lần hỏi gì, Bộ đánh văn bản hỏi tỉnh, tỉnh hỏi huyện, huyện hỏi xã, cứ như vậy vừa không chính xác, vừa mất thời gian”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phải dùng mệnh lệnh hành chính để chuyển đổi số
Phó Thủ tướng cho biết, với điều kiện của Việt Nam phải chuyển đổi số theo cách làm mới, không phải chỗ nào thuận lợi làm trước mà cần làm ngược lại. “Giống như giăng lưới trên sông, nếu chỉ tập trung đan dày, cá sẽ tránh chỗ khác. Mình có ít sợi nên đan thưa nhưng giăng kín sẽ bắt được cá to”, Phó Thủ tướng ví von.
Với những hoạt động đã triển khai, xác định được đầu bài và giải pháp, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đồng bộ lại bằng các văn bản, bằng mệnh lệnh hành chính để tất cả cùng làm.
“Chuyển đổi số gắn với thay đổi cách làm, gắn với minh bạch hoá nên có rất nhiều sức cản trong chính nội bộ. Những người không làm, không hưởng ứng, nhiều khi còn tạo ra năng lực không tích cực cho người làm. Vì vậy cách tốt nhất, tất cả cùng phải làm”, Phó Thủ tướng nêu bài học.
Phó Thủ tướng nhắc lại, mục tiêu chính của chuyển đổi số y tế là chăm sóc sức khoẻ người dân trong điều kiện kinh phí thấp hơn các nước. Vì vậy, cần bắt đầu từ những việc rất chi tiết, cụ thể xem người dân cần gì để xác định đề bài.
Theo Phó Thủ tướng, người dân bình thường trước hết cần biết phòng bệnh thế nào, ăn uống, tập luyện ra sao. Phải làm sao để tất cả nhu cầu thiết yếu của người dân ở mọi đối tượng đều được tư vấn, có thể tự phòng bệnh, tự chăm sóc mình.
Thứ hai, người dân mong muốn bỏ xếp hàng đăng ký khám chữa bệnh. Vừa qua, nhiều bệnh viện đã tích cực triển khai nhưng những bệnh viện tiên phong cũng chỉ đạt 10-15%, số còn lại vẫn trực tiếp đến viện.
Thứ ba, người dân mong muốn được tư vấn, khám chữa bệnh từ xa bởi những bác sĩ mà họ cho rằng tin tưởng nhất.
Thứ tư, làm sao để người dân có được lòng tin, vì có lòng tin là có tất cả. Trước đây, người dân không tin nên mới kéo về tuyến cuối.
“Giờ muốn thay đổi phải bằng công nghệ. Người dân mơ ước từ xưa là được quản lý sức khoẻ, muốn lúc nào mình cũng có một bác sĩ riêng. Người dân không thích bị quản lý nhưng riêng quản lý sức khoẻ thì rất thích”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng khi đẩy mạnh chương trình Sức khỏe Việt Nam và lập hồ sơ sức khoẻ toàn dân vào tháng 7/2021, mỗi người dân coi như có một bác sĩ, nói đúng hơn có cả một hệ thống y tế với một nhóm bác sĩ chăm sóc, theo dõi.
“Đây là mục tiêu phấn đấu, là niềm mơ ước không hề viển vông mà chúng ta hoàn toàn có thể làm được", Phó Thủ tướng tin tưởng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sửa đổi chính sách thanh toán bảo hiểm y tế, không chỉ thanh toán khi người dân ốm vào viện mà thanh toán cả chi phí khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc, để người dân không chuyển sang trạng thái ốm.
Hiện quỹ Bảo hiểm y tế chưa thanh toán chi phí này. Vì vậy, sắp tới phải sửa luật Khám chữa bệnh, luật Bảo hiểm y tế.
Từ thực tế điều hành, Phó Thủ tướng cho rằng việc phối hợp là điểm yếu của nhiều đơn vị. Việc nào một người làm thì dễ nhưng việc nào cần phối hợp thì rất khó. Vì vậy, trong chuyển đổi số, rất cần vai trò của người đứng đầu.
“Làm chuyển đổi số như cải cách hành chính, phải đổi mới chính mình, bước qua lợi ích cục bộ của đơn vị mình, cá nhân mình”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng kỳ vọng, với sự phối hợp của Văn Phòng Chính Phủ, Bộ TT&TT, cách làm của Bộ Y tế sẽ nhanh chóng được đúc rút, nhân rộng ra các bộ ngành khác, để cả nước có bước tiến nhanh hơn trong chuyển đổi số.
Bình luận