Ngày 17/8, làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về nhân lực ngành sư phạm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, bên cạnh đổi mới thi cử, chương trình, sách giáo khoa thì yếu tố quyết định vẫn là chất lượng giáo viên.
Video: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu giải quyết việc làm cho những cử nhân sư phạm đã tốt nghiệp
Vì vậy, giáo viên cũng cần phải được tăng cường tập huấn đào tạo, không chỉ tập huấn đào tạo một lần mà phải thường xuyên, liên tục.
Trước đây, Bộ trưởng GD-ĐT đã nhiều lần thể hiện sự băn khoăn khi nhiều giáo viên vào nghề lâu năm nhưng không chịu phấn đấu, không còn động lực để phấn đấu vì nghĩ rằng vào nhưng không có ra khỏi biên chế.
"Bây giờ phải tập được cái nếp phải luôn luôn đổi mới. Nếu giáo viên không đổi mới, không chịu cập nhật thì sẽ không còn khái niệm biên chế vĩnh viễn, biên chế suốt đời", Phó Thủ tướng khẳng định.
Chất lượng giáo viên nói chung có một bộ phận rất tốt nhưng một bộ phận chậm cập nhật, không đáp ứng được yêu cầu khi đổi mới.
"Có một lý do liên quan đến chất lượng đào tạo trong hệ thống sư phạm của chúng ta do nhiều yếu tố khác nhau. Có phần do số lượng các trường ra nhiều, các địa phương quản là chính, Bộ chỉ quản lý các trường của Bộ", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, ngành sư phạm không thu học phí trong khi các trường đào tạo ngành khác có thu học phí, nên có điều kiện mở ra ngành chất lượng cao, ngành tiên tiến để kêu gọi nguồn lực đầu tư nâng chất lượng. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư vào ngành sư phạm rất hạn chế.
Thực tế, giáo viên phân bổ có tính địa phương nên hầu hết giáo viên ở tỉnh nào học thì sẽ dạy ở đó.
"Nếu không chú ý đến đào tạo giáo viên tại tỉnh thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục tỉnh đó rất lớn", Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, ông Đam nêu thực trạng sinh viên tốt nghiệp sư phạm các cấp nhưng khó xin việc.
"Các em học sư phạm ra đi tìm việc khác cũng rất khó. Trong nhiều trường phổ thông, nhiều giáo viên vào hợp đồng nhưng đợi rất nhiều năm không có suất biên chế để vào. Vừa qua, khi một số tỉnh siết biên chế, thì buộc phải chấp dứt nhiều giáo viên trẻ. Họ cũng rất tâm tư", Phó Thủ tướng nêu thực tế.
Phó Thủ tướng cho rằng yếu tố đảm bảo đầu ra có việc làm là yếu tố quyết định sự lựa chọn của thí sinh.
"Điểm chuẩn sư phạm của một số trường cao đẳng và đại học thấp có nguyên nhân do đào tạo sư phạm ra trường khó xin việc. Đây là nguyên nhân chính nhất", Phó Thủ tướng nói.
Trong khi đó, Bộ GD-ĐT lại chưa đánh giá được nhân lực trong ngành nên xảy ra hiện tượng thừa thiếu cục bộ.
"Thừa giáo viên cấp này, thiếu giáo viên cấp kia, thừa giáo viên môn này, thiếu giáo viên môn kia. Chúng ta phải đánh giá rất sát điều này. Không thể bắt giáo viên Văn sang dạy Toán, không thể cứ đưa giáo viên cấp cao dạy cấp dưới ngay được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý Bộ cần khảo sát số lượng giáo viên có thể chuyển đổi được để sử dụng tốt. Qua đó, Bộ cần đánh giá và kết hợp với xu thế tiến tới xem xét chuẩn hóa nâng dần trình độ lên.
Thứ ba, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ GD-ĐT đánh giá ở mức xác định được mặt bằng các trường sư phạm ở địa phương.
"Có những địa phương có nhiều trường. Từ định hướng trên có thể quy hoạch lại cấp trường, phân bố các trường, đảm bảo đủ, không được thiếu", Phó Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ GD-ĐT về việc tìm giải pháp giải quyết vấn đề việc làm cho một bộ phận không nhỏ sinh viên đã tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng chưa có việc làm.
"Chúng ta cứ nói tới đặt hàng nhưng mấy năm nay chưa có hợp đồng đặt hàng nào. Đề nghị Bộ GD-ĐT làm việc với một số trường tốt để đặt hàng ngành sư phạm. Trong năm nay nhất quyết phải làm", Phó Thủ tướng khẳng định.
Việc đặt hàng sẽ liên quan đến chi phí đào tạo, khuôn mẫu mặt bằng đánh giá.
"Đi cùng với đặt hàng giao nhiệm vụ nghiên cứu ra chương trình, quy định có tính đặc cách với một số ngành đang cần lao động như ngành du lịch, công nghệ thông tin. Những sinh viên tốt nghiệp sư phạm mà muốn chuyển qua hai ngành này thì cần đào tạo như thế nào?", Phó Thủ tướng gợi ý.
Việc này sẽ giải quyết được "một công đôi việc". Đó là việc vừa đáp ứng được nhân lực của ngành du lịch, công nghệ thông tin, vừa giải quyết được câu chuyện thừa giáo viên.
"Khi tôi làm việc với ngành du lịch, người ta có nói với việc hướng dẫn viên chỉ cần biết ngoại ngữ, không cần quá giỏi là có thể làm được. Sư phạm lại có nhiều sinh viên nữ nên đi làm hướng dẫn viên cũng rất hợp", Phó Thủ tướng gợi ý.
Vì vậy, ông Đam đề nghị Bộ nghiên cứu chương trình học chuyển đổi cho phù hợp và không nhất thiết phải học thêm 2 năm đại học mới được cấp bằng.
"Đào tạo trong thời ngắn sau đó họ sẽ đi làm giống như đi thực tập. Sau đó, có thể cấp bằng cho người ta. Phải bắt đầu làm từ những việc rất cụ thể, từ đó mới nhân rộng ra được", Phó Thủ tướng gợi ý.
Video: Điểm chuẩn ngành sư phạm thấp, Bộ trưởng Nhạ đưa 4 giải pháp xử lý dứt điểm
Tiếp thu những chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ nghiên cứu chương trình học phù hợp để giải quyết vấn đề việc làm cho những cử nhân sư phạm đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc.
"Dù sao phông đào tạo sư phạm hết sức căn bản. Trong khi đó, nhu cầu thị trường rất cần nhân lực về ngành du lịch, công nghệ thông tin. Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để có chương trình phù hợp khi giáo sinh đã tốt nghiệp bằng sư phạm, chỉ bổ túc một số tín chỉ là có thể đáp ứng được nhu cầu.
Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với ngành công nghệ thông tin, du lịch để có phương thức đào tạo qua lại. Những giáo sinh này có thể vừa học thông qua tín chỉ, để có bằng cử nhân mới, đồng thời học qua thực tiễn", ông Nhạ khẳng định.
Bình luận