- Năm 2013, đánh dấu việc Việt Nam hoàn thành việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 14 nước. Vậy chúng ta sẽ có kế hoạch nâng cấp quan hệ với các nước bạn bè trên thế giới và trong khu vực ASEAN như thế nào?Ông Phạm Bình Minh. (Ảnh VNE)
Từ năm 2001 cho đến nay chúng ta đã triển khai thực hiện việc đưa các quan hệ của Việt Nam với các nước và đặc biệt là các nước có vị thế quan trọng trên thế giới đi vào xây dựng khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.
Đến năm 2013, chúng ta đã xây dựng 14 đối tác chiến lược và có thể nói tất cả các nước lớn trên thế giới chúng ta đã xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện. Điều đó thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam. Chính sách của chúng ta làm bạn với tất cả các đang được triển khai một cách có hiệu quả.
Hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta đã xây dựng quan hệ với các nước Đông Nam Á trong một cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015. Đồng thời, chúng ta có quan hệ đặc biệt với Lào, xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện với Campuchia. Và vừa qua, chúng ta có xây dựng khuôn khổ quan hệ hợp tác chiến lược với Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Trong thời gian tới, có thể nói Việt Nam là nước duy nhất cho đến nay trong khu vực Đông Nam Á có xây dựng đối tác chiến lược với một số nước thành viên trong cộng đồng ASEAN và xu hướng là sẽ tiếp tục định hình khuôn khổ quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
|
- Cũng là công tác ngoại giao, nhưng với cương vị một Bộ trưởng sẽ khác gì với cương vị một Phó Thủ tướng? Hai cương vị này có hỗ trợ gì cho nhau không?
Bộ trưởng ngoại giao cũng như các Bộ trưởng thành viên của Chính phủ đó là lãnh đạo của một bộ, ngành. Với cương vị Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao vừa được Quốc hội phê chuẩn, đó là giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo đối ngoại và hội nhập quốc tế.
- Ông nhận nhiệm vụ trong bối cảnh Biển Đông đang có nhiều vấn đề căng thẳng, vậy với trọng trách mới thì ông sẽ lưu ý những vấn đề này như thế nào?
Chủ quyền luôn là một vấn đề thiêng liêng của đất nước và bảo vệ chủ quyền đó là một trong những mục tiêu hoạt động đối ngoại của chúng ta. Trên Biển Đông thì chúng ta có chủ quyền và quyền chủ quyền. Quyền chủ quyền có nghĩa là chủ quyền của chúng ta ở thềm lục địa theo Công ước luật Biển của Liên Hợp Quốc.
Và hiện nay ở khu vực Biển Đông, chúng ta cùng với các nước ASEAN đang phấn đấu, xây dựng và thực hiện các tuyên bố ứng xử trên Biển Đông và trong đó tiếp tục cùng với các nước, với Trung Quốc xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Đó là các biện pháp để chúng ta bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông cũng như bảo vệ quyền chủ quyền.
- Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) đã có bàn thảo bước đầu. Vừa rồi ở hội nghị cấp cao ASEAN tại Brunei, Trung Quốc đã nhất trí được một số nội dung bước đầu, vậy bước tiếp theo để xây dựng COC như thế nào thưa ông?
Về vấn đề biển Đông chúng ta phải nói quay lại lịch sử từ năm 2002, các nước ASEAN và Trung Quốc đã ký Bộ quy tắc tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông. Với Bộ quy tắc này giúp các nước duy trì nguyên trạng và đảm bảo thực hiện các tuyên bố về các ứng xử nhưng các tuyên bố thì không có tính chất ràng buộc. Và hiện nay, ASEAN và trung Quốc đang tham vấn về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Trên thực tế, khi Việt Nam làm điều phối viên của ASEAN và Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2012, chúng ta đã rất tích cực cùng với các nước ASEAN xây dựng các thành tố của Bộ quy tắc ứng xử này.
Hiện nay, các nước ASEAN cùng Trung Quốc bắt đầu tham vấn, đây là tiến triển của năm 2013 và Trung Quốc đã đồng ý cùng với các nước ASEAN tham vấn để bắt đầu đi vào xem xét bộ quy tắc này. Tuy nhiên, từ tham vấn đến thương lượng và ký kết là cả một quá trình cố gắng chung của các nước ASEAN và Trung Quốc.
- Cha của ông, cố Bộ trưởng, Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch được đánh giá là nhà ngoại giao lỗi lạc. Ông học được điều gì từ cha mình?
Đường lối đối ngoại của chúng ta là do Đại hội Đảng vạch ra, được lãnh đạo cấp cao của Đảng, nhà nước chỉ đạo triển khai thực hiện.
- Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Bình luận