Theo đánh giá của Ban chỉ đạo điều hành giá trong 5 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có sự nỗ lực cao trong công tác điều hành giá góp phần kiểm soát lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng qua tăng 3,01% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt bằng giá biến động tương đối sát với kịch bản dự báo. Các nhân tố gây tăng giá trong 2 tháng gần đây chủ yếu từ biến động tăng giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường, không có yếu tố tăng giá mới xuất phát từ công tác điều hành giá của Chính phủ.
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 29/5, từ nay đến cuối năm 2018, công tác điều hành giá tiếp tục chịu nhiều áp lực, do giá một số mặt hàng trên thị trường thế giới dự báo tiếp tục có khả năng tăng cao, tác động đến mặt bằng giá trong nước qua kênh xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, Chính phủ quyết tâm kiểm soát CPI ở mức dưới 4%.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt biện pháp điều hành giá, đặt biệt là chính sách tiền tệ, tài khóa; các mặt hàng thiết yếu; rà soát hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý giá chuyên ngành.
Ban chỉ đạo yêu cầu tiếp tục rà soát để đẩy nhanh thực hiện giảm giá các mặt hàng có khả năng giảm giá (như dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh cho người, vật tư y tế, dịch vụ sử dụng đường bộ BOT...).
Đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây, như xăng dầu, lương thực, thịt lợn, cần chủ động rà soát, cân đối cung cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường.
Đặc biệt với giá xăng dầu, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá tăng cao, để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.
Bộ Công Thương cũng cần rà soát các chi phí đầu vào để điều hành giá điện phù hợp, triệt để tiết giảm chi phí để không phải điều chỉnh giá điện trong năm nay.
Bộ Y tế đẩy mạnh tổ chức đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, với tần suất nhiều hơn và tăng cường quản lý đấu thầu vật tư, thiết bị y tế.
Bộ Xây dựng có nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến giá vật liệu xây dựng và thị trường bất động sản. Chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm nguồn cung khi nhu cầu vật liệu cho xây dựng tăng cao, có giải pháp sử dụng các vật tư thay thế cát trong san lấp mặt bằng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường quyền sử dụng đất tại các đô thị lớn, chủ động đề xuất biện pháp bình ổn thị trường khi xảy ra biến động bất thường...
Video: 3 tiêu chí đánh giá chỉ số hạnh phúc của người Việt
Bình luận