• Zalo

Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân: Tuyên bố của ông Trump về TPP không đáng ngại

Thời sựThứ Tư, 23/11/2016 08:31:00 +07:00Google News

Đại biểu Quốc hội là chuyên gia kinh tế dự đoán việc ông Donald Trump tuyên bố từ bỏ Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) không đáng lo ngại.

Trả lời VTC News, PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội) đã đưa ra những dự đoán bất ngờ về số phận của TPP sau ông Trump đắc cử Tổng thống mới của Mỹ.

hoang van cuong-2

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân (Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội)  

Ông Cường nói: Đúng là khi ông Donald Trump vận động tranh cử, ông ấy có tuyên bố sẽ xem lại những hiệp định tự do thương mại đã ký kết trước đó. Dường như Donald Trump có vẻ như quay lưng với TPP.

Tuy nhiên, có hai lý do tôi cho rằng những tuyên bố của ông Donald Trump trước đó không đáng lo ngại.

Thứ nhất, sau khi ông Donald Trump thắng cử thì đã có một số tuyên bố không cứng rắn như trước nữa.

Có những chính sách ông Trump đã xem lại và cho biết sẽ không làm như những gì đã tuyên bố trước đó.

Điển hình như chính sách bảo hiểm y tế ObamaCare. Sau khi gặp Tổng thống Obama, ông Trump lại tỏ ra đồng thuận. Rõ ràng, đó là sự thay đổi lập trường của Trump. Lập trường ấy đã không hoàn toàn cứng nhắc như khi ông ấy tranh cử.

Thứ hai, ông Trump là nhà kinh tế, ông hiểu hơn ai hết những hiệp định thương mại kinh tế không thể không có.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, bắt buộc các nước phải mở rộng các hoạt động thương mại. Đặc biệt các doanh nghiệp của Mỹ là những doanh nghiệp mạnh, thị trường không chỉ gói gọn trong nước Mỹ. Điều đó đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp, các nhà kinh doanh Mỹ phải mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế.

 
Vì vậy, tôi cho rằng chắc chắn những hiệp định thương mại thế giới phải mở rộng. Kể cả TPP không có nguy cơ sụp đổ mà sẽ được ký kết

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Vì vậy, tôi cho rằng chắc chắn những hiệp định thương mại thế giới phải mở rộng. Kể cả TPP không có nguy cơ sụp đổ mà sẽ được ký kết.

-  Vì sao ông dự đoán vậy?

Ông Donald Trump là nhà kinh doanh nên ông ta hiểu rất rõ về cái lợi, cái thiệt trong đàm phán. Chắc chắn ông Trump không để nước Mỹ thiệt trong các hiệp định thương mại này.

Thậm chí ông Trump từng tuyên bố nhiều lần rằng, ông sẽ bắt các nước khác trả tiền cho Mỹ. Đấy chính là cái khôn khéo của nhà kinh doanh.

Những hiệp định đã ký kết và TPP dù chưa được thông qua nhưng vẫn sẽ có cơ hội được tiếp tục. Tuy nhiên, tôi cho rằng những điều khoản đàm phán chắc chắn sẽ có thay đổi.

-  Nếu vẫn thông qua TPP thì ông Donald Trump sẽ nói lại thế nào với cử tri Mỹ?

Tôi cho rằng không phải vấn đề chỉ vì lời hứa. Vấn đề là ông Donald Trump tính toán như thế nào để có lợi cho đất nước, có lợi cho giới kinh doanh Mỹ.

Nếu mang lại lợi ích thực sự cho đất nước thì người ta sẵn sàng làm. Bởi vì mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế không chỉ lợi cho giới kinh doanh mà người tiêu dùng cũng được lợi, những người dân Mỹ cũng được hưởng lợi. Vì vậy, không có lý do gì để người Mỹ phải phản đối các chính sách như thế cả.

TPP

 

-  Những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ liệu có gặp khó trong nhiệm kỳ của ông Trump không, thưa ông?

Ông Donald Trump lên làm tổng thống thì sẽ tính toán rất kỹ các chính sách quan hệ quốc tế để làm thế nào nước Mỹ được hưởng lợi nhiều hơn, nhà kinh doanh Mỹ được hưởng nhiều hơn chứ không để các đối tác được hưởng lợi nhiều trên lợi ích của Mỹ.

Rõ ràng đây là điều lo ngại đối với các quốc gia đang làm ăn với Mỹ chứ không riêng gì Việt Nam.

Tuy nhiên, những hàng Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ thì lại không phải là hàng mang tính chất chiến lược của Mỹ.

Hàng chiến lược của Mỹ lại là những hàng sản phẩm công nghệ cao. Mỹ cần bảo hộ cho cái đó.

Mỹ không bảo hộ cho may mặc, thủy sản. Tôi cho rằng không lo những mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, cần phải tính toán là những hàng Mỹ khi đưa sang Việt Nam sẽ khiến Việt Nam không bảo hộ được. Đó là những hàng máy móc công nghệ cao, hàng công nghiệp khi đưa sang Việt Nam thì chúng ta cũng không thể áp các chính sách thuế bất bình đẳng được.

Đó là điều đe dọa, e ngại cho một số ngành sản xuất trong nước.

Video: Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân dự đoán bất ngờ về số phận TPP

-  Tức là ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn, thưa ông?

Một số ngành công nghiệp của Việt Nam mới chính là ngành bị ảnh hưởng bởi chính sách của ông Trump.

Chính vì ngành công nghiệp còn non trẻ nên chúng ta phải lựa chọn phân khúc nào trong chuỗi hàng hóa để không chạm đầu vào các sản phẩm thế mạnh của Mỹ.

Tôi ví dụ, công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ không thể đối đầu được với ngành công nghiệp ô tô của Mỹ. Trong khi đó, chúng ta lại đang phải đánh thuế rất cao với ô tô nhập khẩu.

Việc ông Donald Trump làm tổng thống thì chính sách bảo hộ đó sẽ không còn. Họ sẽ ép theo kiểu Mỹ để cho Việt Nam xuất khẩu tôm, cá thì Việt Nam phải để cho Mỹ xuất khẩu ô tô với thuế tương ứng.

Tôi cho rằng, sẽ phải có sự đánh đổi như vậy. Tức là, ông Trump sẽ làm để có sự thay đổi trong đàm phán để nước Mỹ lợi hơn.

Nếu Việt Nam lại chọn sản xuất các mặt hàng có thế mạnh của Mỹ thì sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh.

Vì vậy, ngành công nghiệp Việt Nam chỉ nên lựa chọn tham gia vào một phân khúc nào đó của ngành công nghiệp của Mỹ.

Khi Donald Trump lên sẽ thay đổi tương đối lớn cục diện quan hệ kinh tế Quốc tế.

- Ông Trump từng tuyên bố sẽ áp dụng các chính sách tăng thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ tất cả các đối tác thương mại. Điều đó có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

Tăng thuế nhập khẩu thì bản thân người dân của Mỹ sẽ bị thiệt bởi vì thuế nhập khẩu nhằm bảo hộ cho sản xuất trong nước.

Nếu mà Mỹ không sản xuất những mặt hàng đó nhưng lại vẫn đánh thuế nhập khẩu cao thì bản thân người dân Mỹ sẽ bị thiệt. Người dân Mỹ sẽ phản đối ngay nếu thấy những điều đó.

Bản thân Donald Trump khôn khéo nên ông ấy không dại gì mà phải tăng thuế nhập khẩu đối với những mặt hàng không cần được bảo hộ trong nước.

-  Nhiều ý kiến lo lắng những chính sách của ông Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam?

Tôi cho rằng, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam có thể có ảnh hưởng. Tôi cho rằng không chỉ đối với riêng Việt Nam mà còn đối với nhiều quốc gia khác.

Chúng ta biết rằng Mỹ đánh thuế thu nhập rất cao nên nhiều nhà đầu tư sau khi đầu tư ra nước ngoài sẽ không mang về Mỹ. Bởi vì nếu mang về Mỹ sẽ bị đánh thuế cao.

Vì vậy, trước đây dòng vốn này tiếp tục được các nhà đầu tư Mỹ đem đi đầu tư ở các thị trường khác.

Nhưng rất có thể Donald Trump sẽ có chính sách đánh thuế thu nhập thấp. Nếu vậy, các nhà đầu tư sẵn sàng chuyển tiền về Mỹ. Như vậy có sự thay đổi phân bổ nguồn lực đầu tư.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó thì dòng tiền về Mỹ thì cũng không để đó mãi được mà các nhà đầu tư Mỹ cũng sẽ phải tìm các cơ hội đầu tư ở các thị trường khác.

- Khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ thì liệu cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ có thay đổi gì, thưa ông?

 Lâu nay, Việt Nam luôn xuất siêu vào thị trường Mỹ. Bởi vì các sản phẩm Việt Nam không đối đầu trực tiếp với các sản phẩm của Mỹ. Trong khi đó, các sản phẩm công nghệ của Mỹ vào Việt Nam bị đánh thuế cao.

Nhưng tới đây, tôi cho rằng ông Donald Trump sẽ có những chính sách để buộc các nước, trong đó có Việt Nam phải có những điều chỉnh trong chính sách thuế, theo hướng có đi có lại.

Khi đó, sẽ rất khó để Việt Nam có thể xuất siêu như hiện nay. Thậm chí, cán cân thương mại ở mức cân bằng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng hàng hóa Việt Nam vẫn có tiềm năng tốt vào thị trường Mỹ.

Tổng thống Obama: "Cần cho ông Trump thêm thời gian"

-  Tiềm năng đang được nhắc tới là gì, thưa ông?

Đó là những mặt hàng chúng ta có thế mạnh như sản phẩm thủy sản, cá, cà phê, may mặc. Trong đó, thị trường Mỹ không đi vào sản xuất những mặt hàng có trình độ kỹ thuật thấp mà họ chủ yếu nhập khẩu từ các nước đang phát triển đưa tới.

Mỹ lại tập trung vào các sản phẩm công nghệ cao.

-  Nhưng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì, thưa ông?

Xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra rất nhanh. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra vấn đề là kể cả các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ thấp nhưng vẫn đòi hỏi sự đồng đều, tính chính xác rất cao.

Khi đó, ngay cả những sản phẩm bình thường như quần áo, các hàng dệt may, người ta cũng hạn chế sử dụng nhân công.

Bởi vì, nếu sử dụng lao động chân tay sẽ tạo ra sự thay đổi về kỹ thuật, Trong khi đó, xu thế của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là máy móc sẽ thay đổi nhiều cho lao động thủ công.

Đó sẽ là thách thức cho những nước như Việt Nam đang dựa vào lợi thế của nguồn nhân công giá rẻ.

- Cần có biện pháp gì để hàng hóa Việt Nam có thể giữ được ở thị trường truyền thống?

Hoạt động sản xuất phải thực sự dựa vào thế mạnh của Việt Nam. Nếu khai thác đúng thế mạnh, hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi trong hội nhập kinh tế thế giới.

Tôi ví dụ, nông nghiệp Việt Nam có rất nhiều loại hoa quả nhiệt đới, là các đặc sản không thể thay thế được. Đó chính là các thế mạnh của Việt Nam.

Hoặc đối với sản phẩm cà phê. Chúng ta phải đi tới cùng các sản phẩm chế biến từ cà phê. Việt Nam phải tạo được ra những sản phẩm thực sự đúng là thế mạnh của mình.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thế mạnh về nguồn nhân lực luôn đổi mới, tư duy sáng tạo.

Nếu chúng ta tìm được ra đúng thế mạnh thì sẽ có chỗ đứng trong chuỗi phân công giá trị trên toàn thế giới.

-  Hiện nay, Việt Nam đã khai thác được thế mạnh của mình chưa?

Thời gian vừa qua, các ngành sản xuất ở Việt Nam mới chỉ chạy theo quy mô mà chưa đi đúng vào khai thác thế mạnh của mình.

Nếu đi đúng thế mạnh phải phát triển theo chiều sâu, phát triển liên hoàn theo chuỗi giá trị.

Ví dụ: Đối với các sản phẩm hoa quả nhiệt đới cần phải đảm bảo chất lượng từ khâu giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm và bảo quản, tiêu thụ. Vừa qua, quả vải của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ nhưng vẫn không thấy chiến lược trong đó bởi vẫn do người dân trồng tự phát.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn