Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) nhiệm kỳ 2018-2023 vừa tổ chức phiên họp lần thứ X xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022. Số ứng viên đạt đủ phiếu tín nhiệm chức danh GS, PGS năm 2022 theo quy định là 383, trong đó 34 ứng viên GS, 349 ứng viên PGS.
Ứng viên trẻ nhất đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm 2022 là Đoàn Văn Trường - ứng viên ngành Xã hội học. Anh Trường sinh ngày 14/4/1989, quê ở Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Anh đang công tác tại trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.
Năm 2012, anh Trường tốt nghiệp cử nhân ngành Xã hội học tại trường Đại Khoa học, Đại học Huế. Năm 2018, anh được cấp bằng tiến sĩ ngành Xã hội học tại Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội.
Anh là giảng viên trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa từ cuối năm 2012. Từ tháng 4/2021 đến nay, ứng viên này là Phó Bí thư chi bộ, Phó Trưởng khoa Văn hóa - Xã hội, Trưởng bộ môn Công tác xã hội, Bí thư Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của trường.
Anh Trường đã hoàn thành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở (làm chủ nhiệm đề tài) và một đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh (làm chủ nhiệm đề tài). Ngoài ra, anh công bố 31 bài báo, trong đó 23 bài báo khoa học trong nước, 8 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (gồm 03 bài báo ISI (WoS), 2 bài báo Scopus và 3 bài báo thuộc tạp chí quốc tế uy tín khác).
Hướng nghiên cứu chủ yếu của anh là: Xã hội học dân số, trong đó tập trung nghiên cứu về di cư, di cư lao động; Xã hội học gia đình và giới trong phát triển. Anh cũng đã xuất bản 4 sách chuyên khảo (trong đó 2 quyển viết một mình, 1 quyển đồng chủ biên, 1 quyển tham gia viết) thuộc các nhà xuất bản có uy tín.
Tại bản đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, anh Trường cho biết 4 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2020, anh nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT vì đã đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học năm học 2019-2020". Cùng năm, anh nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT vì đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh, sinh viên, đoạt giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2020.
Trong danh sách ứng viên PGS được xét đạt tại vòng xét duyệt cuối cùng, ngoài ứng viên Đoàn Văn Trường còn ứng viên 33 tuổi khác là anh Phạm Minh Quân (sinh ngày 5/4/1989) ứng viên PGS ngành Hóa học.
Từ tháng 6/2011 đến tháng 2/2017 anh Quân là nghiên cứu viên phòng Hóa Sinh Hữu Cơ - Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Từ tháng 3/2022 đến nay anh là nghiên cứu viên chính, Phó Giám đốc Trung tâm Hóa thực vật và Công nghệ Nano Y Sinh, Phó Viện trưởng - Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên.
Các hướng nghiên cứu chủ yếu của anh là về sử dụng công cụ hỗ trợ máy tính trong nghiên cứu các hoạt chất thiên nhiên nhằm sàng lọc tìm kiếm và thiết kế thuốc mới và khảo sát mối liên quan hoạt tính cấu trúc; phân lập, xác định cấu trúc và đánh giá hoạt tính sinh học các hợp chất thiên nhiên, đặc biệt các hợp chất Lipid; tham gia xây dựng các quy trình tạo các sản phẩm thiên nhiên ứng dụng trong đời sống.
Ứng viên này đã hoàn thành 5 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên và công bố 88 bài báo khoa học, trong đó 53 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Đồng thời, anh Quân được cấp 4 bằng sở hữu trí tuệ, 1 bằng độc quyền sáng chế và 3 giải pháp hữu ích.
Anh Quân xuất bản 2 sách chuyên khảo thuộc nhà xuất bản trong nước uy tín và 1 chương sách quốc tế thuộc nhà xuất bản quốc tế uy tín.
Ứng viên phó giáo sư ngành Sinh học - Hoàng Thanh Tùng (SN 1989) đang công tác tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm 2012, anh Tùng tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, Đại học Đà Lạt. Sau đó làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên.
Đến nay, anh sở hữu gần một trăm công bố khoa học (chương sách, bài báo ISI, quốc tế, trong nước...) đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước. Trong số đó nhiều công bố khoa học về cây hoa cúc.
Đáng chú ý, công trình khoa học “Sản xuất cây hoa cúc quy mô lớn bằng phương pháp vi thủy công có bổ sung nano bạc dưới điều kiện chiếu sáng LED” của Tùng được xem là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về việc sử dụng một kỹ thuật mới trong nhân giống thực vật. Nghiên cứu này đã cung cấp các dẫn liệu khoa học mới có giá trị, là tài liệu tham khảo hữu ích cho lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, đồng thời, mở ra hướng nghiên cứu mới có tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực nhân giống thực vật.
Sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước công bố công khai danh sách các ứng viên đạt đủ phiếu tín nhiệm, trong thời hạn 15 ngày, nếu không có đơn thư, phản ánh, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước sẽ ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2022.
Bình luận