Năm 2017 được xem là năm bản lề của bóng đá trẻ Việt Nam khi U20 Việt Nam lần đầu tiên đá World Cup U20 còn U22 Việt Nam thi đấu SEA Games cuối tháng 8 tại Malaysia. Phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện với phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn về bóng đá Việt Nam trong năm 2017.
- Năm 2016 là năm đại thành công với bóng đá trẻ Việt Nam khi lứa U16, U19 tạo nên tiếng vang ở sân chơi châu lục. Theo ông yếu tố nào làm nên thành công nổi trội này?
Đúng vậy, năm 2016 có thể đánh giá là một năm rất khởi sắc của bóng đá trẻ Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Sự kiện U19 Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành quyền tham dự VCK FIFA U20 World Cup và U16 Việt Nam lần đầu tiên sau 16 năm lọt vào tứ kết giải vô địch U16 châu Á chính là minh chứng rõ rệt nhất.
Thành tích này đạt được là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó theo tôi có 3 yếu tố nổi bật. Đó là: Định hướng đúng, chuẩn bị tốt và đầu tư có hiệu quả. Định hướng đúng ở đây chính là định hướng phát triển bóng đá trẻ thông qua Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, thông qua công tác tổ chức các giải bóng đá trẻ quốc gia từ U11 đến U21 theo hướng ổn định về mặt hệ thống, đồng thời đổi mới về thể thức thi đấu nhằm tăng số lượng các trận đấu để tạo thêm cơ hội thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm cho các cầu thủ.
Chuẩn bị tốt là xây dựng kế hoạch hoạt động, chương trình tập huấn phù hợp đối với các mục tiêu, nhiệm vụ của các đội tuyển trẻ trong từng giai đoạn cụ thể.
Còn đầu tư có hiệu quả là huy động tối đa các nguồn tài trợ, tranh thủ tốt các quan hệ quốc tế để đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm cho các đội tuyển trẻ, tổ chức tập huấn tại một số quốc gia có nền bóng đá phát triển, chú trọng chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng của khu vực cũng như châu lục.
Ngoài ra sự hình thành các mô hình liên kết giữa các CLB trong nước với các CLB nước ngoài trong đào tạo trẻ cũng góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo. Trong năm 2016, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng VFF đã rất cố gắng để đảm bảo cho U19 Việt Nam và U16 Việt Nam có được những điều kiện tốt nhất trong quá trình tham dự các giải quốc tế.
- U19 Việt Nam sẽ có lần đầu tiên trong lịch sử World Cup U20, VFF đã cùng với BHL ĐT có những chuẩn bị ra sao để có màn trình diễn tốt nhất trên đất Hàn Quốc?
Lần đầu tiên tham dự World Cup U20 vừa là vinh dự vừa là thử thách. Đánh giá một cách khách quan, trình độ bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại vẫn chưa theo kịp với mặt bằng chung của giải đấu lớn nhất thế giới dành cho lứa tuổi U20.
Chính vì vậy, tôi cho rằng đây là cơ hội không thể tốt hơn để các cầu thủ tích lũy kinh nghiệm khi được thi đấu với những đối thủ mạnh nhất thế giới ở cùng độ tuổi.
Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là chúng ta bằng lòng với thành tích giành quyền vào World Cup U20. Bài học từ thành tích lọt vào 1/8 FIFA Futsal World Cup Colombia 2016 của ĐT Futsal Việt Nam vẫn còn nguyên tính thời sự. Chúng ta cần phải có sự chủ động trong công tác chuẩn bị, đảm bảo U20 Việt Nam phải bước vào World Cup với phong độ và tinh thần cao nhất.
Dù quỹ thời gian hạn hẹp, nhưng về cơ bản, lộ trình, kế hoạch hoạt động của U20 Việt Nam đã được VFF thống nhất với Hội đồng Huấn luyện viên Quốc gia và ban huấn luyện của đội. Song song với việc điều chỉnh lịch thi đấu các giải chuyên nghiệp cho phù hợp với lịch hoạt động của U20 Việt Nam, VFF cũng đã liên hệ để đội có chuyến tập huấn dài ngày tại Đức.
Trong thời gian tập huấn, đội sẽ có từ 2 đến 3 trận giao hữu cọ xát với những đội bóng mạnh. Bên cạnh đó, thông qua các kênh quan hệ quốc tế, VFF cũng đang khẩn trương liên hệ với các Liên đoàn bóng đá các nước để cố gắng thu xếp những trận tập huấn hữu ích trước khi lên đường sang Hàn Quốc tham dự World Cup.
- VFF có kế hoạch tạo nên sự thống nhất về lối chơi, triết lý bóng đá giữa các lứa U16, U19, U23 và ĐT Việt Nam như một số nước đã và đang làm hay không?
Tính kế thừa và liên tục cả về nhân sự lẫn lối chơi là nhân tố cốt lõi tạo nên sự ổn định cho ĐTQG. Trong thời gian gần đây, điều này đã được thể hiện rõ nét ở các cấp độ đội tuyển.
Clip: Công Phượng từng phải đi phát tờ rơi tại Nhật Bản
Lứa các cầu thủ U16 được bồi dưỡng tạo cơ hội thi đấu rèn luyện để tiếp tục trở thành nòng cốt trong thành phần U19 Việt Nam. Tương tự như vậy, lứa các cầu thủ U19 hiện tại sẽ tiếp tục được tạo cơ hội được đào tạo và thi đấu tích lũy kinh nghiệm để tham gia vào lực lượng đội tuyển U22, U23 rồi cuối cùng là ĐTQG.
Lối chơi của các đội tuyển cũng sẽ từng bước được hoàn thiện và đồng nhất thông qua các đóng góp, tư vấn từ Hội đồng huấn luyện viên Quốc gia và giám đốc kỹ thuật, theo nguyên tắc phù hợp với tầm vóc và thể trạng của con người Việt Nam.
- SEA Games 2017 là giải đấu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam trong năm nay. Chỉ tiêu vào chung kết SEA Games liệu có là áp lực quá lớn đối với đội U22 Việt Nam?
Năm 2017 thực sự là một năm bận rộn của bóng đá Việt Nam với tổng cộng 12 đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu tại các đấu trường quốc tế. Không chỉ có SEA Games, chúng ta còn có 2 mục tiêu trọng điểm khác là U20 Việt Nam tham dự World Cup và ĐTQG tham dự vòng loại cuối cùng Asian Cup 2019.
Đối với môn bóng đá nam tại SEA Games 2017, nhiệm vụ của chúng tôi là phải đảm bảo cho U22 Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất cả về lực lượng lẫn kế hoạch hoạt động. Trong thi đấu bóng đá, kết quả còn phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố may mắn nữa. Nhưng có một điều chắc chắc là nếu không có sự chuẩn bị tốt thì không thể có thành công.
Với sự quan tâm và kỳ vọng của người hâm mộ, thì áp lực sẽ là điều khó thể tránh khỏi. Hy vọng các tuyển thủ sẽ cố gắng biến áp lực thành động lực để phấn đấu đạt được mục tiêu đặt ra.
- Nhiều khả năng, World Cup 2026 sẽ mở rộng lên 48 đội. Châu Á sẽ có thêm 4 suất dự World Cup nữa. Liệu VFF có thay đổi tầm nhìn đã đưa ra trong Nghị quyết để có thể tiến đến World Cup nhanh hơn?
Hy vọng các tuyển thủ sẽ cố gắng biến áp lực thành động lực để phấn đấu đạt được mục tiêu đặt ra.
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng theo tôi việc World Cup mở rộng lên 48 đội sẽ tạo cơ hội thúc đẩy nhanh hơn quá trình thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa bóng đá châu Á và bóng đá châu Âu cũng như Nam Mỹ. Cơ hội dự World Cup sẽ giúp vòng loại các khu vực trở nên hấp dẫn hơn và các quốc gia cũng sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng sức cạnh tranh.
Lộ trình đến năm 2026 cũng là hợp lý để các quốc gia xây dựng kế hoạch chuẩn bị, tất nhiên trong đó có Việt Nam. Nhưng bất luận thế nào, gốc rễ của ĐTQG vẫn là bóng đá trẻ. Theo quan điểm của tôi, ĐTQG chỉ có cơ hội dự World Cup khi các đội trẻ thường xuyên tham gia vào đấu trường thế giới các độ tuổi.
Năm 2017 mới là lần đầu U20 Việt Nam tham dự World Cup. Bóng đá Việt Nam cần tiếp tục có sự đầu tư vào phát triển bóng đá trẻ, phấn đấu để các đội tuyển trẻ U16, U17, U19, U20 liên tục góp mặt tại VCK châu Á, đó tiền đề để tạo sự chuyển biến về chất cho ĐTQG khi tham gia cạnh tranh suất vé dự World Cup trong tương lai.
Bình luận