Đối thoại với người dân, doanh nghiệp (DN) trong chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" với chủ đề "Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới" vào tối 8/10, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh cần phải thống nhất lại hiểu biết, quan niệm về "bình thường mới". Đó là dù tình hình dịch bệnh cơ bản được đẩy lùi nhưng thành phố phải chấp nhận sống chung với COVID-19 và tổ chức lại sản xuất, sinh hoạt phù hợp.
Nhiều người dân cũng đặt câu hỏi, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản do dịch bệnh, TP.HCM có kế hoạch hỗ trợ trực tiếp trong tình hình mới thế nào.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, trong điều kiện bình thường mới, người dân, doanh nghiệp và ngay cả Chính phủ cũng phải tìm cách thích nghi, linh hoạt để phát triển kinh tế phù hợp với tình hình.
Đứng về góc độ chính sách, bà Thắng cho hay, trước tiên, để mở cửa kinh tế, TP cũng rất trăn trở vì hiện nay, công nhân, doanh nghiệp đều khó khăn, ngay cả ngân sách TP cũng khó khăn. Mặc dù đầu năm thành phố có tính toán kinh phí phòng chống dịch bệnh nhưng không ai nghĩ rằng tình hình dịch bệnh xảy ra phức tạp đến vậy.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, kể từ đợt dịch đầu tiên bùng phát vào năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 3 thông tư gồm 01, 03 và 14 với nội dung giãn, khoanh nợ cho doanh nghiệp, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp không bị nhảy nhóm nợ. "Đây là những chính sách kịp thời. Thời gian qua, khi chúng tôi làm việc với nhiều hiệp hội doanh nghiệp, đã ghi nhận nhiều chính sách được thực hiện hiệu quả", bà Thắng nói.
Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các quận, huyện và TP Thủ Đức thiết lập chương trình hỗ trợ vốn. Doanh nghiệp có nhu cầu sẽ đăng ký ở phường, quận và các hiệp hội doanh nghiệp trực thuộc. Các địa phương sẽ lập danh sách, rà soát và trên cơ sở đó đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp. Dự kiến, trong tuần sau, TP.HCM sẽ làm việc cùng các hiệp hội doanh nghiệp để triển khai việc này.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể phản ánh với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM. Còn với nhóm doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh khó tiếp cận được với NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại, có nhiều kênh tiếp cận nguồn vốn khác, như hội phụ nữ, hội liên hiệp thanh niên, LĐLĐ (Quỹ CEP vay tín chấp), hệ thống ngân hàng chính sách xã hội ở quận, huyện. "Tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, cơ sở sản xuất được vay số vốn tối đa 2 tỉ đồng với lãi suất tùy thời kỳ, hiện nay là 7,92%/năm. Cá nhân được vay tối đa 100 triệu đồng/hộ với lãi suất 0,5%/tháng" - Phó Chủ tịch UBND TP thông tin.
Về thuế, bà Thắng cho biết, thời gian qua, một số chính sách đã và đang được chuẩn bị ban hành để hỗ trợ nhóm này. Cụ thể, Chính phủ ban hành Nghị định 52 gia hạn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất... Thay vì cuối tháng, cuối quý, có thể gia hạn nộp thuế tới cuối năm. Thứ hai, Nghị quyết 68 của Chính phủ có chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh với mức 3 triệu đồng/người (có hợp đồng lao động, đăng ký kinh doanh, mã số thuế…).
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh, Cục thuế TP.HCM kết hợp với các quận, huyện để hoàn thuế sớm hơn, ngay bây giờ thay vì cuối năm. TP đã chỉ đạo nhanh chóng hoàn thuế cho các cơ sở kinh doanh. Nếu đủ tiêu chí thuế VAT và các khoản thuế, đã nộp hồ sơ thì doanh nghiệp sẽ được nhanh chóng hoàn thuế để kịp thời sản xuất, kinh doanh lại.
Thông tư 01, 03 và 14 của Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quy định rõ ràng về mức hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp du lịch, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết ngoài tổ chức du lịch ở Cần Giờ, Củ Chi, thành phố cũng đang có kế hoạch khảo sát đường thủy để nâng cấp sản phẩm. Đặc biệt, từ tháng 11, thành phố có kế hoạch triển khai du lịch tới các tỉnh khác. "Chúng tôi đã trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang qua điện thoại và nhận được sự đồng ý của chủ tịch về việc nhận khách từ TP HCM. Điều kiện chỉ cần khách tiêm đủ 2 mũi vaccine, có xét nghiệm âm tính và bảo đảm đi thẳng từ sân bay đến Hà Giang. Ngoài ra, miền Tây, Tây Nguyên cũng chuẩn bị đón khách TP.HCM" - bà Phan Thị Thắng cho biết.
Dự kiến, nếu điều kiện thuận lợi, thành phố sẽ xin đón khách quốc tế từ năm 2022. Cùng với đó, khi nối lại đường bay, thành phố cũng có định hướng tổ chức các chuyến bay hồi hương nhằm góp phần hỗ trợ cơ sở lưu trú có thể hoạt động.
Bà Phan Thị Thắng bày tỏ chia sẻ với những doanh nghiệp chịu tác động lớn trong dịch bệnh, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh. Xe muốn chạy được cần sự đồng ý của địa phương, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh diễn biến ở các tỉnh. Bà cho biết TP.HCM đã chủ động làm việc với các tỉnh nhằm thống nhất quy định, phương án về đưa đón hành khách. Mục tiêu từ ngày 1/11, có thể tổ chức lại một số tuyến liên tỉnh, từ đó rút kinh nghiệm và mở rộng thêm.
Bình luận