Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, về bảng giá đất mới, có nhiều việc để thảo luận. Hiện vấn đề này đang rất được dư luận quan tâm. Có dư luận thuận và không thuận, có được và không được.
Những dự án đang dở dang, bồi thường dở dang, đối với người cũ và người mới thế nào... là những điều cần làm rõ cho người dân hiểu.
"Câu chuyện này mới thấy rằng, chúng ta phải làm kỹ, phải trả lời cho rõ ràng, phải làm sao cho người dân hiểu. Chủ trương đúng thì cần hiểu cho đúng. Còn những trường hợp tác động ảnh hưởng chưa tích cực thì chúng ta phải tìm cách gỡ", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.
Nói về việc áp dụng bảng giá đất điều chỉnh, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết bảng giá lần này là bảng giá điều chỉnh, chưa phải là bảng giá mới theo Luật Đất đai 2024.
Bảng giá mới sẽ được xây dựng và được áp dụng từ ngày 1/1/2026, còn bảng giá lần này là bảng giá điều chỉnh bảng giá cũ, cập nhật những giá đất mà giao dịch hiện hành, đang diễn ra trên thị trường để đảm bảo không gây thất thoát, vì bảng giá cũ quá thấp.
"Có những tuyến đường mà bảng giá cũ chỉ 1-2 triệu/m2 mà giá giao dịch hiện tại đã tới 120 triệu/m2. Vì vậy việc cập nhật này là cân chỉnh lại toàn bộ để có một bảng giá phù hợp nhất để thành phố sử dụng", Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM nói.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, đối với Luật Đất đai 2024, thẩm quyền của TP là phải tham mưu ban hành 14 văn bản hướng dẫn chi tiết, phụ lục.
Chủ trương của TP là cho phép thực hiện quy trình rút gọn và đến ngày 1/8 hết thời gian lấy ý kiến các đơn vị. Ngày 15/8 là phải ban hành đầy đủ các văn bản để đảm bảo việc thực thi của Luật Đất đai.
Trong 14 văn bản ban hành có 1 nội dung là giao cho UBND cấp tỉnh được xem xét điều chỉnh bảng giá. Từ đó, TP đã có chủ trương điều chỉnh bảng giá cũ.
Có tất cả 7 bước, TP đã làm tới bước thứ 6. Đó là chuyển về cho hiệp hội xem xét thẩm định toàn bộ dữ liệu sau khi nhận tư vấn của các quận, huyện và cân đối, cân chỉnh giá đất thực tế trên địa bàn TP.
Trả lời PV Báo điện tử VTC News về việc đã áp dụng bảng giá đất điều chỉnh từ hôm nay hay chưa, ông Đặng Quốc Toàn - Chánh Văn phòng UBND TP.HCM nói: "Hiện thành phố đang họp để cho triển khai sớm nhất".
Trước đó, tại buổi họp báo chiều 29/7, ông Nguyễn Toàn Thắng đã nêu lý do gấp gáp áp dụng bảng giá đất điều chỉnh từ 1/8. Theo ông Thắng, Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực từ 1/8/2024. Sau ngày 1/8 sẽ không còn quy định về hệ số điều chỉnh và phải cập nhật giá đất tái định cư.
Do đó, dù rất muốn có thêm thời gian để thực hiện điều chỉnh bảng giá đất, tuy nhiên luật quy định nên muốn chờ cũng không thể được, luật không cho phép. Nếu không tham mưu để ban hành bảng giá điều chỉnh sẽ tắc nghẽn.
"Dù thời gian ngắn, cấp bách nhưng không còn cách nào khác... TP.HCM phải chấp hành nghiêm và các tỉnh, thành phố đều phải làm", ông Thắng cho hay.
Bảng giá đất cũ vẫn có thể tiếp tục sử dụng, tuy nhiên qua khảo sát lại thấy cần thiết điều chỉnh cho phù hợp với giá đất thực tế. Bảng giá đất mới sẽ cập nhật luôn giá đất tái định cư được phê duyệt theo giá thị trường.
Bảng giá đất mới sẽ không còn hệ số, được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu thị trường về giá đất. Cụ thể là dữ liệu về giao dịch đất đai tại địa bàn qua nhiều năm qua. Dữ liệu này được tổng hợp từ nhiều nguồn như Cục thuế, Văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện...
"Bảng giá này cập nhật giữ liệu giá gốc chứ không làm tăng giá thị trường. Giá này đang diễn ra trên thị trường, và được cân chỉnh", Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM khẳng định.
Trước khi xây dựng bảng giá đều phải thu thập giá thị trường từ nhiều nguồn ở tất cả các địa phương, chứ không phải bây giờ mới bắt tay làm. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng TP.HCM áp dụng vội vàng, không có dữ liệu là không đúng.
Bình luận