Video: Khám phá bên trong nhà máy nước sông Đuống
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc cấp phép và xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy này tuân thủ quy hoạch của Thủ tướng về mạng lưới cấp nước sạch đô thị.
Ông Hùng nhấn mạnh, đây là nhà máy nước có quy mô liên vùng, hoàn toàn đúng và không hề phá vỡ quy hoạch.
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cũng bác bỏ thông tin cho rằng HĐND TP Hà Nội có văn bản bác đề nghị của UBND Hà Nội về việc trợ giá cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống. Theo ông, HĐND TP Hà Nội chỉ có văn bản trao đổi về sự việc.
“UBND thành phố có trao đổi với HĐND thành phố về giá bán lẻ để xem xét giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền. HĐND sau đó có văn bản gửi UBND thành phố. Vấn đề này không phải là bác bỏ mà là đang bàn bạc trao đổi”, Phó Chủ tịch Hà Nội khẳng định.
Cũng theo ông Nguyễn Thế Hùng, Hà Nội đang thực hiện việc quy hoạch cấp nước sạch cho toàn thành phố. Theo đó, từ 2013 đến nay, thành phố giữ giá nước ổn định cho dân, cho các cơ sở sản xuất. Trong đó, quy hoạch cũng có lộ trình tăng giá nước.
Lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh, quy định của pháp luật vẫn cho phép ngân sách sẽ bù nếu như giá tiêu thụ cao hơn giá bán lẻ, trên nguyên tắc UBND cấp tỉnh quy định cụ thể, nhưng không trái với quy định hiện hành của cơ quan quản lý Nhà nước.
Đầu tháng 11/2019, Hà Nội chấp thuận giá mua từ nhà máy nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm. Mức giá này gấp đôi giá nước hiện tại người dân đang sử dụng của Nhà máy nước sông Đà.
Một điểm đáng lưu ý, trong tổng mức đầu tư của dự án nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng thì có đến 80% mức vốn (tương ứng gần 4.000 tỷ đồng) được doanh nghiệp này đi vay ngân hàng.
Báo cáo từ Sở Tài chính Hà Nội cho thấy khi nhà máy nước sông Đuống đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, tương đương khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước.
Như vậy, nếu sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước sông Đuống, mỗi người dân Hà Nội sẽ phải gánh nợ lãi suất thay doanh nghiệp này số tiền 2.003 đồng/m3/tháng. Theo nhiều ĐBQH, đây là mức phí vô lý và thiếu công bằng đối với người dân Thủ đô.
Vấn đề Hà Nội chấp thuận mua giá "trên trời" của Nhà máy nước mặt Sông Đuống nhận được nhiều ý kiến trái chiều tại Kỳ hợp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Bình luận