• Zalo

Phim Việt: Nơi Trinh thanh minh không làm gái, hot girl tìm chốn đổi đời

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 21/02/2017 10:01:00 +07:00Google News

Không ít người mai mỉa, phim Việt dễ dãi tới mức chỉ là nơi cho Ngọc Trinh thanh minh mình không làm gái, hot girl tìm chốn đổi đời, và nhiều kẻ tìm kiếm cái mác đạo diễn.

Trong khi nền điện ảnh thế giới đã tiến những bước dài, mỗi năm cho ra mắt vô số phim bom tấn hấp dẫn, phim Việt vẫn loay hoay tung chiêu câu khách cho những sản phẩm nhảm nhí và dễ dãi.

Số lượng ngày càng tăng, nhà nhà làm phim, người người làm đạo diễn, nhưng nội dung và nghệ thuật trong những thước phim Việt lại đang đi lùi. Thêm vào đó là tư tưởng tự hài lòng "phim Việt làm được như vậy là tốt rồi", đã khiến phim Việt bị đào thải ngay trong lòng khán giả Việt.

Tràn lan "bom xịt"

Trong những năm gần đây, số lượng phim Việt liên tục tăng. Năm 2015, có hơn 40 phim được sản xuất và hơn 30 phim ra rạp. Phim Việt không còn giới hạn theo mùa mà gần như tháng nào trong năm cũng có 2 hoặc 3 được giới thiệu với công chúng. Năm 2016, có khoảng gần 45 phim ra rạp.

Cùng với số lượng phim tăng, các nhà sản xuất liên tiếp công bố nhưng con số doanh thu cao ngất ngưởng. Trên truyền thông, khán giả thấy những kỷ lục về doanh thu của phim Việt liên tiếp bị xô đổ.

Tuy nhiên, nhiều khán giả tỉnh táo nhận ra rằng, những con số doanh thu hàng mấy chục tỷ dường như chỉ là cách "nói cho vui" của các nhà sản xuất. Họ bắt tay với nhà phát hành phim để công bố doanh thu tăng thêm 15 - 20% so với con số thật để kéo thêm khán giả tới rạp, vớt vát danh tiếng cho đạo diễn và để nhà sản xuất dễ lôi kéo nhà đầu tư cho các dự án sau.

2-dsc-0271-96ab8-1428466697090

 Bộ phim "Taxi em tên gì" công bố doanh thu 21 tỷ chỉ sau 5 ngày công chiếu

Trái ngược với sự phát triển không ngừng của số lượng phim, của những mức doanh thu hàng mấy chục tỷ mà nhà sản xuất công bố, chất lượng các tác phẩm điện ảnh Việt ngày càng xuống cấp. Nhiều người nói vui, thị trường phim Việt trong nhưng năm gần đây tràn ngập "bom xịt".

Tấm Cám - chuyện chưa kể có lẽ là phim đáng kể nhất trong năm 2016. Tác phẩm của Ngô Thanh Vân được đầu tư lớn (20 tỷ đồng), được chăm chút từng bộ trang phục, khuôn hình nhưng cũng bộc lộ hạn chế trong khâu kịch bản. Không khó để nhận ra, ở nửa cuối của phim, đạo diễn loay hoay và không biết xử lý các tình huống diễn ra ở đầu phim, khiến bộ phim trở nên ngô nghê một cách đáng tiếc.

Diễn xuất của các diễn viên cũng khiến người ta thất vọng. Lan Ngọc (vai Cám) và Ngô Thanh Vân (vai Dì ghẻ) lúc nào cũng trong trạng thái phùng má trợn mắt. Dường như, họ quá yêu nghệ thuật Tuồng nên khắc sâu suy nghĩ, cái gì cũng phải làm quá lên, dù chỉ là cái nhíu mày.

tam-cam-chuyen-chua-ke_ph

Với "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", Ngô Thanh Vân khẳng định đã đóng vai ác là phải phùng má, trợn mắt

Còn hotgirl Hạ Vi trong vai Tấm khiến người xem ngán ngẩm vì cô chẳng thể hiện được gì trong phim ngoài một gương mặt đẹp, một nụ cười rạng rỡ. Thế nên mới có chuyện, phân đoạn Tấm bị chết khi đang hái cau lẽ ra phải khiến khán giả lặng người đi vì xúc động thì lại thu về những tràng cười không dứt từ người xem. Họ không thể khóc khi mà trước mặt là gương mặt vô cảm tới mức hài hước của nữ diễn viên.

18720_1036384493039608_17

 Cảnh Tấm bị ngã khi hái cau trở thành cảm hứng cho cư dân mạng làm ảnh chế (Ảnh: Saostar)

Bộ phim Taxi, em tên gì? dù được đánh giá là thành công nhưng nhiều khán giả lại cảm thấy khó chịu vì diễn xuất của nam diễn viên chính, các tình huống trong phim chẳng khác gì những chương trình tấu hài đang tràn ngập trên truyền hình.

Một bộ phim khác không thể nhắc tới trong chuỗi thảm họa mới ra rạp là Vòng eo 56. Bộ phim được Ngọc Trinh đầu tư gần chục tỷ chỉ để thanh minh "tôi không phải là gái". Xem xong phim, khán giả chỉ biết thốt lên: "nhạt như đời Trinh, giả như phim Đãng". Bộ phim cũng khiến nhiều người nuôi tham vọng trở thành đạo diễn hoặc diễn viên điện ảnh vì thấy rằng, đó là cái nghề "dễ như ăn bánh".

59357_160280393983360_1121690_n

 Poster phim của Vòng eo 56 cũng chẳng ngại ngần mượn luôn ý tưởng của phim Vẻ đẹp Mỹ

Sự xuống tay của những đạo diễn Việt kiều 

Anh em Charlie Nguyễn - Johny Trí Nguyễn ở lần chào sân đầu tiên khiến giới chuyên môn sung sướng, khán giả ngỡ ngàng với Dòng máu anh hùng. Bộ phim làm le lói hy vọng một ngày nào đó, điện ảnh Việt Nam có thể tự tin so sánh với các nước trong khu vực.

Thế nhưng, sau Dòng máu anh hùng, Charlie Nguyễn và Johny Trí Nguyễn đột nhiên thay đổi gu làm phim. Họ đầu tư vào những bộ phim hài, ăn xổi như Để mai tính, Tèo em 1, Tèo em 2 và mới đây nhất là Fan cuồng.

Ba bộ phim đầu tiên, ê-kíp thắng về mặt doanh thu và đẩy nam diễn viên Thái Hòa lên thành "Ông vua phòng vé". Tuy nhiên, tới Fan cuồng, bộ phim thất bại thảm hại, không chỉ về yếu tố chuyên môn mà còn về mặt doanh thu.

Nam diễn viên Thái Hòa phải thừa nhận sự thua lỗ của Fan cuồng. Anh cho rằng, đó là "cú đánh" thẳng vào mặt anh và ê-kíp Charlie Nguyễn - Johny Trí Nguyễn để họ tìm hướng đi mới, nếu muốn tồn tại ở thị trường phim Việt.

5-1258

 Sau Fan cuồng, Thái Hòa từng nói vui anh là "ăn mày phòng vé"

Lưu Huỳnh là đạo diễn gây ấn tượng nổi bật ở thị trường Việt Nam khi theo đuổi dòng phim nghệ thuật. Tác phẩm gây tiếng vang của anh Áo lụa Hà Đông được khán giả bình chọn tại Liên hoan phim Quốc tế Pusan, đoạt 5 giải Cánh diều vàng 2006 và giúp Trương Ngọc Ánh xóa đi cái mác "bình hoa di động" sau hàng chục năm gắn bó với môn nghệ thuật thứ 7.

 
Ai ai cũng có thể trở thành đạo diễn điện ảnh, từ những người ngoại đạo cho tới những người có kinh nghiệm trong việc thực hiện các... video clip ca nhạc.

Sau Áo lụa Hà Đông, Lưu Huỳnh cũng chạm tới trái tim của khán giả với bộ phim Lấy chồng người ta. Tuy nhiên, hai tác phẩm sau đó của vị đạo diễn này lại khiến không ít người thất vọng. Phim Hiệp sỹ mù của anh khiến nhiều người nói vui là chỉ sản xuất với mục đích lăng-xê diễn viên trẻ Ngọc Thanh Tâm mà cũng không thành công.

Còn Hy sinh đời trai không đọng lại trong trí nhớ của khán giả, ngoại trừ việc sau thất bại của phim, đạo diễn phim Lưu Huỳnh, nhà sản xuất Trần Bảo Sơn, diễn viên chính Tấn Beo lao vào cuộc khẩu chiến, đổ lỗi cho nhau.

Cường Ngô chào sân ấn tượng với Ngọc Viễn Đông, tiếp đến là Hương Ga rồi lần lượt xuống phong độ với Ngày nảy ngày nayTruy sát.

Lê Văn Kiều sau khi trình làng tác phẩm Ngôi nhà trong hẻm liên tiếp thụt lùi với 2 phim cấm chiếu là Rừng xác sống, Bẫy cấp 3 và bộ phim nhạt nhòa Nữ đại gia.

9-1258-5

 Sự xuất hiện của Nguyễn Cao Kỳ Duyên cũng không cứu vớt được bộ phim Nữ đại gia

Cùng với sự xuống tay nghề của các đạo diễn Việt kiều là sự nhiệt tình của nhiều "đạo diễn trẻ". Dường như hiện nay, ai ai cũng có thể trở thành đạo diễn điện ảnh, từ những người ngoại đạo cho tới những người có kinh nghiệm trong việc thực hiện các... video clip ca nhạc.

Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các phim Việt chiếu rạp đều có điểm chung là kịch bản yếu, hời hợt, phi logic, các nhân vật bị cường điệu trở nên quá lố. Các diễn viên được giao vai chính chỉ vì hot trên mạng xã hội hoặc là người đẹp đắt show sự kiện.

Kỳ 2: Phim Việt sống nhờ "ăn đong" kịch bản nước ngoài

Vy An
Bình luận
vtcnews.vn