Mới đây, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về tình hình phim Việt trên báo VTC News. Theo ông, nền điện ảnh Việt chưa có nhiều phim hay và đang rơi vào tình trạng kể không xong một câu chuyện.
Đạo diễn phim Em còn nhớ hay em đã quên buồn rầu đưa ra nhận định, phim nghệ thuật không còn chỗ đứng ở thị trường Việt Nam.
Đồng quan điểm với đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, nhà văn Nguyễn Như Phong, tác giả kịch bản của hơn 300 phim truyền hình dài tập, trong đó có những phim để lại dấu ấn như Bí mật Tam Giác Vàng, Chạy án, Cổ cồn trắng...còn đưa ra những góc nhìn mới để lý giải sự kém phát triển của phim Việt trong những năm trở lại đây.
- Thưa nhà văn Nguyễn Như Phong, ông từng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực viết kịch bản phim, ông đánh giá thế nào về chất lượng phim Việt trong những năm gần đây?
Tôi có đọc những chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần về tình hình phim Việt trên báo VTC News và hoàn toàn đồng ý với những nhận định ông đưa ra. Tôi thấy chưa bao giờ người ta làm phim dễ dãi, cẩu thả tới mức khó chịu như bây giờ.
Tôi chỉ lấy ví dụ, có một bộ phim đề cập tới cảnh bộ đội ta chống lại cuộc oanh kích của không quân Mỹ ở miền Bắc, nhưng cả trận địa pháo phòng không lại chỉ có một khẩu pháo 37 ly. Rồi trong lúc bom rơi đạn lửa, lại có một cậu bé chạy ra vặn ống dẫn dầu....
Tôi không hiểu sao người ta lại dám bịa ra những chi tiết phi thực tế như vậy. Làm gì có trận địa pháo phòng không nào mà lại chỉ có 1 khẩu? Có đứa trẻ con nào...lại dũng cảm kiểu khó giải thích như thế?
Tôi thấy chưa bao giờ người ta làm phim dễ dãi, cẩu thả tới mức khó chịu như bây giờ.
Nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Như Phong
Tôi rất thất vọng về chất lượng phim Việt trong những năm gần đây, xem phim nhiều khi tôi thấy như bị ném cát vào mắt, khó chịu cực kỳ.
Theo tôi, trong vòng 5 - 10 năm nữa, điện ảnh Việt Nam hoặc dậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi. Chúng ta không mong gì có được nền điện ảnh phản ánh được sinh động, có chiều sâu cuộc sống lao động chiến đấu trong quá khứ và những phức tạp của đời sống hiện tại theo hướng có tính chất xây dựng.
- Theo ông, đâu là lý do khiến cho tình hình phim Việt "ảm đạm" tới thế?
Vấn đề đầu tiên của các hãng phim nhà nước là “tiền đâu”. Khi không có tiền đừng bàn tới chuyện làm phim.
Còn đối với những nhà sản xuất tư nhân, hoặc các doanh nghiệp, họ có tiền nhưng họ không quan tâm tới chất lượng nghệ thuật của bộ phim mà chỉ cần làm sao hút được nhiều khán giả “ bình dân” và giới thiệu được ngôi sao nào đó, quảng bá được sản phẩm của họ.
Một vấn đề nữa đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã nói tới là chúng ta rất thiếu kịch bản hay. Đội ngũ viết kịch bản phim đã yếu, thiếu lại không được quan tâm đúng mức. Tất nhiên, một tác phẩm điện ảnh hay là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, nhưng trước tiên phải có một kịch bản tốt. Người ta vẫn nói có bột mới gột nên hồ.
Thế nhưng, tôi chưa bao giờ thấy Hội Điện ảnh Việt Nam có quan tâm đúng mức tới những người viết kịch bản. Trong tất cả các giải thưởng, người biên kịch luôn bị xếp sau cùng, thậm chí, họ còn không được mời tới các lễ trao giải.
- Thưa ông, chúng ta có một Hội đồng duyệt phim với sự tham gia của rất nhiều bên như đại diện Đoàn thanh niên, Bộ giáo dục, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục điện ảnh...Vậy tại sao, chúng ta vẫn để lọt những phim dở ra rạp?
Đó là những người quản lý về tư tưởng, về giáo dục. Họ ít quan tâm tới chất lượng nghệ thuật của bộ phim mà chỉ săm soi phim có câu nào nói xấu Đảng, Chính phủ, hay đụng đến ông nọ, bà kia, hoặc có hình ảnh vi phạm thuần phong mỹ tục....Thế nên, có những phim chất lượng rất tệ, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực tới thẩm mỹ của công chúng vẫn được ra rạp.
Cái nguy hại nhất của việc kiểm định phim theo dạng này là nó khiến nhà làm phim không muốn khai thác những vấn đề nổi cộm, gai góc trong xã hội. Họ biết rằng, làm những bộ phim kiểu đó dễ bị "tuýt còi", nếu may mắn được thông qua về mặt tư tường thì cũng phải bị cắt cái này, thêm cái kia...mới được ra rạp. Thế là nhà làm phim lại phải bỏ ra công sức, tiền bạc để chỉnh sửa lại "đứa con" của mình theo yêu cầu của Hội đồng duyệt phim, mà đôi khi, sự chỉnh sửa ấy hoàn toàn không đúng với mong muốn của họ.
Điều này khiến nhiều nhà làm phim có suy nghĩ, thực hiện những tác phẩm nghệ thuật tử tế mà rắc rối thế, thôi thì, cứ khai thác hài nhảm, tình tay ba, tay tư. Họ làm những phim chất lượng nghệ thuật trung bình nhưng đáp ứng được thị hiếu dễ dãi của số đông, vừa có lãi, vừa dễ dàng, tội gì "đâm đầu vào đá".
- Ông nghĩ sao trước việc Hội đồng duyệt phim vừa đưa ra quyết định phân loại phim theo lứa tuổi?
Tôi không hiểu họ làm việc đó làm gì? Họ đưa ra quy định nhưng lại không có cơ chế thực hiện nó. Ai là người đứng ra kiếm soát việc khán giả mua vé? Trông chờ vào sự tự giác của khán giả hay ý thức thực hiện của những nhân viên soát vé là điều không tưởng. Đấy là chưa kể tới có nhiều bạn trẻ, vẻ bề ngoài của họ lớn hơn tuổi thực rất nhiều.
Ở nước ngoài, cơ quan quản lý đưa ra quy định này vì họ có cơ chế thực hiện. Họ quy định rất rõ, khán giả đi xem phim phải trình chứng minh nhân dân. Nếu nhân viên soát vé cố tình hay vô ý để lọt khán giả không phù hợp vào rạp, sẽ bị xử phạt rất nghiêm.
Mặt khác, họ kiểm soát rất kỹ các loạt phim chiếu trên mạng. Họ có những công cụ để đảm bảo khán giả chỉ được xem những bộ phim phù hợp với lứa tuổi. Còn ở Việt Nam, một đứa trẻ con chỉ cần có cái điện thoại thông minh nối mạng là nó có thể xem bất cứ thứ gì nó muốn, kể cả phim 18+. Tôi có cảm giác, có những quy định được đưa ra dường như đưa ra chỉ để cho vui.
Xin cảm ơn ông!
Video cảnh nóng phim Việt sẽ không quá 5 giây
Bình luận