Philippines tiếp tục trao công hàm phản đối ngoại giao với Trung Quốc. Lần này là vì sự hiện diện của tàu khảo sát và tàu chiến Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Phillipines (EEZ).
Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin thông báo về động thái của chính phủ Philippines trên Twitter vào thứ Sáu, ngày 9/8.
“Hiểu rồi, Tướng quân. Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối ngoại giao” - ông Locsin viết.
Tuyên bố của ông Locsin được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana - một tướng quân đội đã nghỉ hưu - kêu gọi chính phủ hỏi Bắc Kinh tại sao các tàu nghiên cứu và tàu chiến của họ lại vào vùng biển nước này.
“Điều tôi muốn là chính phủ hãy hỏi đại sứ quán Trung Quốc, xem tàu của họ đang làm gì ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà chúng ta không được biết” - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói. Bên cạnh đó, ông Lorenzana còn nhấn mạnh rằng không chỉ tàu khảo sát, mà còn có cả tàu chiến của Trung Quốc đi qua lãnh hải của Philippines.
Trước đó, vào ngày 7/8, chuyên gia Ryan Martinson thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ đăng tải những hình ảnh cho thấy hai tàu khảo sát Trung Quốc là Dong Fang 3 và Zhang Jian hoạt động trong EEZ của Philippines, cách bờ biển phía Đông nước này khoảng 80 hải lý.
Cũng trong ngày 7/8, ông Locsin nhấn mạnh không có chuyện tàu Trung Quốc vào EEZ của Philippines cho tới khi quân đội và Bộ Quốc phòng có báo cáo về việc một số tàu của Trung Quốc, bao gồm cả tàu chiến, xuất hiện trong vùng biển Philippines mà không có thông báo trước cho chính quyền nước này.
Lần trao công hàm phản đối Trung Quốc mới đây nhất được Philippines thực hiện là vào ngày 31/7, sau khi phát hiện hơn 100 tàu Trung Quốc hoạt động gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện do Philippines kiểm soát.
Philippines chủ trương đi theo đường lối thúc đẩy mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc kể từ thời Tổng thống Rodrigo Duterte - người trong thời gian qua đã vấp phải không ít phản ứng từ các quan chức và dư luận do cách hành xử bị coi là “mềm mỏng” trước các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bình luận