(VTC News) - Truyền thông Philippines nói nước này đang thảo luận cùng Trung Quốc thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tổng thống Philippines Aquino III |
Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Philippines Jericho Petilla cho hay các cuộc đàm phán diễn ra ở Hong Kong và "đang trong giai đoạn sơ bộ".
Ông Jericho Petilla nói Manila và Bắc Kinh có thể sẽ đạt được "thỏa thuận thương mại", bất chấp hai nước có tranh chấp lâu nay về chủ quyền tại Biển Đông.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III được truyền thông trong nước dẫn lời cho biết, bất cứ thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông đều phải tuân thủ pháp luật Philippines. Trong khi đó, Trung Quốc lâu nay luôn tuyên bố sẽ hợp tác khai thác ở Biển Đông, nhưng yêu cầu các nước tôn trọng cái gọi là "chủ quyền lãnh thổ" của Bắc Kinh tại nơi này.
Trước đó, hãng tin BBC nói ông Benigno Aquino III có cuộc trao đổi ngắn với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường Hội nghị thượng đỉnh Asean ở Brunei hồi đầu tháng 10 vừa qua.
BBC nói ông Aquino III và ông Lý "vẫn có những bất đồng quan điểm về chủ quyền lãnh hải" nhưng người đứng đầu Philippines cho rằng "chí ít hai bên cũng có thể nói chuyện với nhau".
Philippines nói nước này đang dựa vào nguồn khí tự nhiên tại khu vực Malampaya ở ngoài khơi nước này. Tuy nhiên, nguồn này sẽ cạn kiệt vào năm 2014 và khu vực Bãi Cỏ Rong được cho là có trữ lượng dầu khí rất lớn.
Tờ Japan Times của Nhật Bản nói đây có thể là nguyên nhân khiến Manila hợp tác với Bắc Kinh, bởi những cuộc thăm dò dầu khí trước đó của Philippines ở Biển Đông đều bị Trung Quốc xua tàu hải giám tới gây khó dễ.
Dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc |
Năm ngoái, Manila và Bắc Kinh có những cuộc đấu khẩu gay gắt về chủ quyền bãi đá Scarborough (Trung Quốc gọi là Hoàng Nham). Hai bên cáo buộc nhau có những hành động gây căng thẳng và xâm phạm chủ quyền.
Chính quyền Manila khi đó từng tuyên bố sẽ nghiên cứu khả năng mở cửa vịnh Subic cho Hải quân Mỹ quay lại đóng quân - động thái được cho là tạo đối trọng với hải quân Trung Quốc vốn được đánh giá cao hơn.
Trong khi đó, hãng tin Reuters hôm qua dẫn nguồn tin Philippines nói Trung Quốc đang "cố gắng xây dựng các công trình" trên bãi cạn Scarborough.
Reuters nói Manila đang chiến đấu một cuộc chiến chưa từng có ở Tòa án quốc tế để chống lại tham vọng "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.
Hãng tin này nói rằng khó có khả năng một phán xét pháp lý nào đó được thực hiện, nhưng việc kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế có thể tạo thanh thế chính trị lớn cho Manila.
Philippines từng tính tới việc mở cửa vịnh Subic cho Hải quân Mỹ vào hoạt động |
Hồi đầu năm nay, Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự vẽ ra, trong đó đòi hỏi chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông.
"Đường lưỡi bò" bị nhiều học giả trong và ngoài nước Trung Quốc phản đối bởi nó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý mà chỉ thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
Cũng liên quan tới vấn đề Biển Đông, hôm 20/10, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Tun Hussein tuyên bố Hải quân Hoàng gia nước này sẽ xây dựng căn cứ mới ở Bintulu thuộc Biển Đông.
Đánh giá về động thái này, Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho rằng Malaysia đang ra tín hiệu cảnh báo trước thói hành xử hung hăng của Trung Quốc lâu nay trên Biển Đông.
"Malaysia không thể kiềm chế được nữa và đây là lời cảnh báo dành cho Trung Quốc, rằng nếu còn tiếp tục lấn tới, gây sức ép bằng các hoạt động trên thực tế thì Trung Quốc sẽ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ hơn", ông Trục nói.
Huyền Lê
Bình luận