Khi Tổng công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được yêu cầu thoái vốn khỏi Vinamilk, nhiều vấn đề đang đặt ra, Nhà nước sẽ được gì, mất gì, phần vốn đó bán cho ai, và tương lai Vinamilk sẽ ra sao?
Theo ước tính, 45,1% vốn nhà nước mà SCIC đang nắm giữ tại Vinamilk hiện có giá thị trường khoảng 55.200 tỷ đồng, tương đương 2,46 tỷ USD.
Vinamilk được xem là "con gà đẻ trứng vàng" cho SCIC khi tạo ra lợi nhuận trên sàn chứng khoán với mức lãi hơn 7.600 tỷ đồng năm 2014 và 4.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015. Vậy tại sao SCIC lại cần thoái hết vốn nhà nước tại Vinamilk?
Thoái vốn để làm gì?
Ngay sau khi có thông tin Thủ tướng Chính phủ yêu cầu SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn Nhà nước tại Vinamilk và 9 doanh nghiệp tầm cỡ khác, nhiều ý kiến nhận định việc này sẽ giúp nhà nước thu về khoản tiền đáng kể nhằm bù đắp bội chi ngân sách năm 2015 và giúp Chính phủ có nguồn để cơ cấu một số khoản nợ trong nước sắp tới hạn.
Thoái hết vốn Nhà nước tại Vinamilk |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết vấn đề thoái hết vốn không chỉ đơn thuần nằm trong kế hoạch chung là tái cơ cấu lại các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Bởi vì cân đối ngân sách đang là một bài toán lớn mà Chính phủ phải đối mặt và bắt buộc phải giải quyết.
Bàn riêng về kế hoạch thoái hết vốn tại Vinamilk, chuyên gia tài chính Huỳnh Thế Du từng phân tích rằng nếu rút hoàn toàn vốn nhà nước tại Vinamilk có thể sẽ có được một nguồn vốn rất lớn để thực hiện một số nhiệm vụ như xử lý nợ xấu ngân hàng, tăng vốn đầu tư trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư đang hạn hẹp.
Tuy nhiên, chuyên gia Huỳnh Thế Du lưu ý: Thoái vốn lấy một cục để tăng cường đầu tư cho các hoạt động của Nhà nước hay SCIC phải giữ nguồn vốn của Nhà nước và làm nó sinh sôi nảy nở. Hai nhiệm vụ này phải được xác định rõ, không thể để SCIC một lúc làm hai nhiệm vụ.
Vấn đề các nhà phân tích kinh tế băn khoăn là lộ trình thoái hết vốn nhà nước tại Vinamilk sẽ diễn ra như thế nào, nhất là ở thời điểm thị trường tài chính vẫn còn nhiều biến động như hiện nay.
Trong văn bản của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1787/TTg-ĐMDN về đề án tái cơ cấu SCIC ngày 8/10/2015 có nêu rõ SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc thoái vốn tại Vinamilk và 9 doanh nghiệp khác phải "đạt được lợi ích cao nhất".
Để đạt lợi ích cao nhất, rõ ràng ngay bây giờ, SCIC cần sớm chủ động vạch ra một kế hoạch thoái vốn hợp lý để làm sao tốn ít chi phí nhất mà lợi ích Chính phủ thu về cũng tốt nhất, đồng thời cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của Vinamilk.
Còn nhớ, khi nói về lộ trình rút dần vốn nhà nước tại Vinamilk, tại diễn đàn M&A hồi tháng 8/2015, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), có nói rằng vấn đề quan tâm trước tiên khi quyết định bán vốn của Nhà nước hay không là cổ phần đó được định giá bao nhiêu và khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp sau khi bán thế nào chứ không còn là chuyện tối đa hóa tiền thu về như trước.
Cần thể chế thị trường
Có thể thấy, nếu bán hết vốn tại Vinamilk tức là SCIC mất đi "con gà đẻ trứng vàng". Nhưng để bán được 541 triệu cổ phiếu Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ một cách nhanh chóng và vừa được giá thì không phải chuyện đơn giản.
SCIC mất đi "con gà đẻ trứng vàng". |
Một khía cạnh khác đang được dư luận quan tâm là ai có thể mua nổi phần vốn SCIC đang nắm giữ? Liệu có doanh nghiệp nội nào đủ khả năng chi đến 2,5 tỷ USD để thế chân SCIC?
Nhiều nhận định cho thấy Vinamilk từ lâu là cổ phiếu ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài. Một khi SCIC quyết định bán đứt toàn bộ vốn thì rất có khả năng nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bỏ qua cơ hội này.
Vấn đề lưu ý là khi SCIC thoát hoàn toàn vốn thì có ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của Vinamilk hay không?
Đó còn chưa kể nếu xảy ra trường hợp SCIC bán phần lớn vốn tại Vinamilk cho các nhà đầu tư nước ngoài thì có gì đảm bảo Vinamilk còn mang bản sắc Việt?
Nhận định chung của giới phân tích kinh tế cho thấy, với Vinamilk trong tương lai khi hậu thoái hết vốn nhà nước, nếu có một môi trường thể chế lành mạnh, cạnh tranh sòng phẳng sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực cùng tham gia. Khi ấy Vinamilk sẽ được tái cấu trúc quản trị, cải thiện khả năng cạnh tranh hơn. Nhưng cũng cần đề phòng chuyện "lợi ích nhóm" can thiệp vào quá trình thoái vốn nhà nước tại Vinamilk. Nếu xảy ra trường hợp đó, sẽ khó có thể nói trước về tương lai của Vinamilk như thế nào?
Trong chuyện thoái vốn nhà nước cũng còn vấn đề đáng mổ xẻ nếu xét cung cách mà SCIC chuẩn bị thực hiện với Vinamilk.
Theo chuyên gia Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Nhà nước không nên quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm thoái vốn vì như vậy là can thiệp sâu vào doanh nghiệp, trái với nguyên tắc thị trường và thể chế thị trường chúng ta đang xây dựng và hướng tới.
Chuyên gia Trần Tiến Cường cho rằng Nhà nước chỉ hành xử trên tư cách và với tâm thế của nhà đầu tư, cổ đông nhà nước, thực hiện quyền của nhà đầu tư, cổ đông nhà nước, chứ không phải với tư cách cơ quan quản lý nhà nước. Không nên chuyển tải ý chí nhà nước bằng các quy định có tính quy phạm pháp luật có hiệu lực chung.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước, theo hướng tiếp tục giảm các lĩnh vực mà Nhà nước tham gia nắm giữ vốn.
Việc đẩy mạnh lộ trình thoái hết vốn Nhà nước là một bước đi đáng hoan nghênh, chứng tỏ Nhà nước sẽ tách khỏi việc tham gia vào các lĩnh vực kinh tế vốn dành cho tư nhân. Nhưng để thoái vốn "đạt được lợi ích cao nhất" và vừa đáp ứng thể chế thị trường như tại Vinamilk thì SCIC còn rất nhiều việc phải làm!
Nguồn: Thời báo kinh doanh
Bình luận