Dư luận đang xôn xao trước nghịch lý chi phí vận chuyển nội địa Việt Nam bị đội giá, đắt hơn gấp nhiều so với đi Mỹ, Pháp.
Tại một hội nghị liên quan đến logistics do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tổ chức mới đây, tình trạng phí vận chuyển nội địa quá cao đến vô lý một lần nữa lại được các đại biểu nhắc lại.
Một trong các nguyên nhân quan trọng được cho là khiến chi phí logistics (vận tải, bảo quản hàng hóa, thuê kho bãi…) tại Việt Nam cao hơn thế giới là do nước ta có nhiều trạm thu phí đi từ Bắc vào Nam, đẩy chi phí vận chuyển lên cao.
Tuy nhiên, phản biện những ý kiến này, ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết, ông chưa thực sự tin vào các con số thống kê do nhiều tổ chức đưa ra.
"Làm sao phí vận chuyển nội địa lại đắt hơn đi Mỹ, Pháp được"? ông Bùi Danh Liên đặt nghi vấn và cho rằng, để một chuyến hàng đặt lên đất Mỹ, đến được với tay người tiêu dùng thì phải "cõng" rất nhiều các chi phí và không hề đơn giản. “Hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản mà đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của người Mỹ thì không hề đơn giản một chút nào. Nếu thực sự có việc phí vận chuyển nội địa đắt hơn đi Mỹ, các tổ chức cần đưa ra số liệu, dẫn chứng cụ thể, chứ cứ nói chung chung như thế này rất khó hiểu, khó tin và gây hoang mang dư luận”, ông Liên nói.
Cũng theo ông Liên, đúng là các trạm phí BOT đang đẩy chi phí vận chuyển lên cao, nhưng việc khách hàng trả phí cho nhà đầu tư BOT là hoàn hợp lý và "nếu không có BOT thì sao hàng hóa đi nhanh, tiết kiệm được thời gian, công sức được?". Vì thế, chỉ nên xem xét phí BOT có hợp lý không mà thôi.
Phí vận tải đường biển rẻ hơn đường bộ nhưng việc vận chuyển theo đường biển sẽ phải có thêm chí phí về bến bãi, bốc dỡ từ tàu cập cảng. “Rồi từ đó lại phải mất chi phí vận chuyển đến các điểm tiêu thụ mặt hàng”, chuyên gia vận tải khẳng định.
Theo ông Bùi Danh Liên, hiện nay, việc vận chuyển hàng hóa nội địa hay nước ngoài đều có nhiều lựa chọn. Ở loại hình nào cũng đều có ưu điểm, hạn chế. Do đó, cần biết sử dụng hình thức vận tải phù hợp với hàng hóa để tối ưu và tiết kiệm chi phí.
"Ví dụ như việc vận chuyển theo đường hàng không thì đảm bảo thời gian rất nhanh, tiếp đến là đường bộ. Đường sắt hay đường biển có giá cước rẻ hơn nhưng đổi lại mất thời gian và có thêm chi phí về bốc dỡ. Ngoài ra, container sang Mỹ, Pháp theo đường biển thì không thể so sánh chi phí đó với việc vận chuyển bằng đường bộ trong nước được”, ông Bùi Danh Liên phân tích.
Ông Liên cũng nói thêm: "Chúng tôi đã ngồi thảo luận với nhau, thảo luận với cả Bộ GTVT và nhận thấy phí vận tải đường biển có rẻ hơn đường bộ, nhưng không thể rẻ hơn một cách quá vô lý được".
Nhắc lại một lần nữa những điểm chưa thuyết phục tại nhận định “phí vận chuyển nội địa đắt hơn đi Mỹ, Pháp”, ông Bùi Danh Liên cho rằng, ngành tài chính cần vào cuộc để minh bạch hóa các con số, tránh làm hoang mang dư luận bởi những nhận định chưa được kiểm chứng.
Tại hội nghị trực tuyến “Cắt giảm chi phí logistics để nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt”, do Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức ngày 9/7, nhiều ý kiến phản ánh chi phí logistics tại Việt Nam đang quá cao khiến giá nông sản đến tay người tiêu dùng cũng bị đẩy giá.
Thông tin tại hội nghị cho biết hiện nay chi phí logistics đang chiếm đến 29,5% trong sản xuất nông sản, đặc biệt là những sản phẩm như rau quả. Trong 29,5% này thì chi phí vận tải chiếm 60%. Sau đó là xếp dỡ 20%, lưu trữ 14%. Tiếp đó là chi phí về bao bì, phí cảng…
Các ví dụ được đại biểu đưa ra như: chi phí vận chuyển một container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 41 triệu đồng, từ Việt Nam sang Nhật Bản là 15 triệu đồng thì vận chuyển một container tôm từ TP.HCM ra Hà Nội mất 80 triệu đồng, cao gấp đôi vận chuyển ra nước ngoài.
Tương tự, một container tôm từ TP.HCM đến biên giới Trung Quốc mất 100 triệu đồng, trong khi Ecuador cũng vận chuyển sang Trung Quốc nhưng chi phí chỉ bằng một nửa.
Lý giải chi phí logistics ở Việt Nam bị đẩy lên quá cao, các đại biểu cho biết, hoạt động logistics ở Việt Nam quá phức tạp, nhiều chi phí, kể cả chi phí không chính thức.
Nguyên nhân thứ nhất được chỉ ra, đó là việc kết nối giữa các loại hình vận tải, đặc biệt là giữa đường thủy nội địa với đường bộ không đồng bộ. Về nguyên tắc, chi phí vận tải thủy nội địa rẻ hơn nhiều so với đường bộ, nhưng sự kết nối giữa các công đoạn để làm thủ tục thiếu đồng bộ, chờ đợi bốc xếp ở hai đầu quá lâu, kéo dài thời gian dẫn đến "tắc" đủ thứ, đẩy giá thành lên cao.
Thứ hai, năng suất bốc xếp ở các đầu bến không đạt yêu cầu, vì chỉ có một số cảng bến xây sau này mới có hệ thống cơ giới bốc xếp hiện đại, còn lại hầu hết các cảng bến nhỏ, cơ giới bốc xếp thô sơ, lạc hậu.
Thứ ba, khoản phí chính thức là chi phí BOT rất cao.
Ngoài ra, một khoản chi phí khác cao không kém mà doanh nghiệp phải chịu là chi phí không chính thức. Riêng với vận tải đường thủy, chi phí không chính thức trên đường đi, mà người Việt vẫn quen gọi là "lộ phí", đã tương đương với tiền dầu. Trong đó, chi phí không chính thức ở các cảng bốc xếp đã chiếm khoảng 15-25% cước vận tải đường thủy.
Bình luận