• Zalo

Phi cơ tàu sân bay Trung Quốc ra đời thế nào?

Thế giớiThứ Năm, 29/11/2012 01:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - J-15 hay còn gọi là 'Cá mập bay' của Quân đội Trung Quốc là máy bay được phát triển và chế tạo dành riêng cho tàu sân bay Liêu Ninh của nước này.

(VTC News) - J-15 hay còn gọi là 'Cá mập bay' của Quân đội Trung Quốc là máy bay được phát triển và chế tạo dành riêng cho tàu sân bay Liêu Ninh của nước này.

J-15 là máy bay được phát triển bởi Tổng công ty hàng không Thẩm Dương và Viện nghiên cứu 601 của Hải quân Trung Quốc với nhiệm vụ chiến đấu trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Thời điểm mới được phát triển, năm 2005, có nhiều tin đồn cho rằng J-15 là máy bay bán tàng hình. Tuy nhiên, ngay từ lần đầu xuất hiện các chuyên gia quân sự đã nhận ra rằng đây là máy bay có phần thiết kế hơi giống Su-33 của Nga.

Ngoài vẻ bề ngoài giống Su-33 thì các thiết bị điện tử, hệ thống radar và vũ khí của J-15 đều là sản phẩm nội địa của các công ty Trung Quốc.

J-15 của Trung Quốc trên sàn tàu sân bay Liêu Ninh 

Lí do khiến nhiều trang tin tức, tạp chí quân sự quốc tế đã nhận định J-15 giống Su-33 là ngay sau khi mua được một chiếc Su-33 từ Ukraina năm 2001 dự án 'Cá mập bay' của Trung Quốc đã ra đời.

Trong khi có bề ngoài thường được đem so sánh với Su-33 thì các phần còn lại của J-15 được phát triển từ dự án J-11B của Trung Quốc trước đó.


Khi J-15 xuất hiện năm 2010, nó đã nhận được không ít lời chỉ trích từ các chuyên gia hàng không Nga. Đại tá Igor Korotchenko lúc đó đang làm việc cho Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "J-15 khó có thể đạt được những tính năng của Su-33 và có lẽ họ sẽ phải mua Su-33 để sử dụng".

Năm 1995, Trung Quốc đã chấp nhận kí bản thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ trị giá 2.5 tỉ USD với Nga để sản xuất chung 200 chiếc Su-27SK tại Trung Quốc với tên J-11A ở nhà máy của Tổng công ty hàng không Thẩm Dương.

Su-27SK của Nga thỏa thuận sản xuất chung với Trung Quốc trong dự án J-11A 

Theo đó, các máy bay J-11A sẽ phải trang bị hệ thống điện tử hàng không, radar và động cơ của Nga.

Thế nhưng Nga đã chấm dứt thỏa thuận này vào năm 2006 khi phát hiện ra Trung Quốc đã âm thầm phát triển dự án J-11B, sao chép của Su-27SK nhưng lại mang các hệ thống điện tử, radar và vũ khí của Trung Quốc, chỉ có động cơ vẫn dùng của Nga.

Bên cạnh chấm dứt thỏa thuận, năm 2006 Nga cũng từ chối một bản hợp đồng mua Su-33 của Trung Quốc khi họ yêu cầu Nga chuyển trước 2 chiếc để 'đánh giá'.

Tại thời điểm đó, Trung Quốc đã sản xuất được 95 chiếc J-11B vi phạm thỏa thuận quyền sở hữu trí tuệ giữa 2 nước.


Máy bay J-11B của Trung Quốc phát triển từ Su-27SK của Nga, vi phạm thỏa thuận quyền sở hữu trí tuệ giữa 2 nước 

Năm 2009, Nga một lần nữa từ chối hợp đồng mua Su-33 của Trung Quốc dù số lượng đã được nâng lên 14 chiếc. Khi đó Nga đã yêu cầu Trung Quốc mua ít nhất 24 chiếc Su-33 nhưng không được chấp nhận.

Chuyến bay đầu tiên của J-15 được tin là diễn ra vào ngày 31/8/2009, khi đó nó vẫn dùng động cơ phản lực AL-31 của Nga.

Nhưng mãi đến tháng 7/2010 những hình ảnh đầu tiên về chuyến bay này của J-15 mới xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với bề ngoài khá giống Su-33.


MiG-29K, máy bay thay thế Su-33 trên tàu sân bay Nga 

Tháng 7/2011, J-15 được công bố sử dụng động cơ FWS-10H của Trung Quốc tự sản xuất vốn được thiết kế dành cho J-11B.

Khi đó, các chuyên gia quân sự cho biết lực đẩy cần thiết để J-15 cất cánh lên đến 12.8 tấn, trong khi FWS chỉ có lực đẩy tối đa 12.5 tấn.


Điều đó cho thấy Trung Quốc đã phải cải tiến động cơ và cả khối lượng của J-15 để nó có thể xuất phát ổn định. Ngoài ra, cũng có một số cải tiến đáng kể để máy bay này phù hợp với nhiệm vụ hoạt động trên tàu sân bay.

F-15E của Mỹ cũng đã không còn được sử dụng trên tàu sân bay 

Đầu tháng này, chiếc máy bay J-15 thứ 2 của Trung Quốc đã có chuyến bay đầu tiên của mình. Đây là phiên bản 2 chỗ ngồi, trong đó phi công phụ đảm nhận nhiệm vụ điều khiển hệ thống vũ khí, nguyên lí hoạt động hơi giống F-15E của Không quân Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, Mỹ cũng đã không còn dùng F-15E trên các tàu sân bay của mình.

Hiện nay, Trung Quốc đã lên kế hoạch sản xuất J-15 số lượng lớn để sử dụng cho tàu sân bay Liêu Ninh của mình.
Video cất hạ cánh thành công lần đầu tiên của J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh hôm 25/11 vừa qua 

Tùng Đinh (Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn