Theo đó, khung giá là: 0 - 2.590,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Trong đó, mức giá trần là 2.590,85 đồng/kWh.
Các thông số sử dụng tính toán mức giá trần của khung giá phát điện áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng LNG năm 2024: Công suất tinh 1.579.125 kW; Suất tiêu hao nhiệt tinh ở mức tải 85% 6.330,2 BTU/kWh; Giá LNG (không bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí tồn trữ, tái hóa và phân phối khí sau tái hóa) 12,9792 USD/tr.BTU và Tỷ giá: 24.520 đồng/USD.
Theo quyết định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện đàm phán giá mua bán điện trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật về phương pháp xác định giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành và quản lý chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với quy định pháp luật về xây dựng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, Việt Nam phải phát triển 30.424 MW điện khí. Trong đó, khí tự nhiên trong nước là 7.900MW được thực hiện từ 10 dự án đã được duyệt trong Quy hoạch.
13 dự án khí hóa lỏng với công suất 22.524 MW sẽ phải nhập khẩu từ nước ngoài. Bộ Công Thương nhận định đây là thách thức đặt ra đối với Việt Nam.
Trong cuộc họp diễn ra ngày 25/5, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Tình hình thực hiện các dự án điện khí chưa có nhiều thay đổi, ngoại trừ Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4. Nếu tình trạng này còn tiếp tục tái diễn thì vấn đề an ninh năng lượng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Theo báo cáo, tính đến ngày 22/5, hầu hết dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư và chưa có nhiều tiến triển, đặc biệt là 3 dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.
Các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư như Hải Lăng giai đoạn 1, Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện FS theo ý kiến của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để trình lại Bộ Công Thương thẩm định.
Bình luận