• Zalo

Phẫu thuật bộ phận sinh dục nữ thành nam

Sức khỏeThứ Bảy, 19/01/2013 02:29:00 +07:00 Google News

Nguyễn Thu Cúc vừa được phẫu thuật hoàn chỉnh cuối cùng để trở thành một người đàn ông.

Ngày Phúc từ Đài Loan về nhà sau ca phẫu thuật nhằm quyết tâm tìm lại “cuộc sống thật”, mẹ đón Phúc ở đầu con đường làng. Ôm chầm lấy mẹ, lòng Phúc xót xa. Mẹ sinh ra Phúc là con gái, vậy mà phải gật đầu để con được sống theo đúng giới tính thật!

Biến đổi

Tôi gặp Phúc tại BV Xanhpon (Hà Nội) khi ca phẫu thuật tạo hình “đàn ông” vừa xong được ba ngày. Phúc gầy xanh xao trong bộ quần áo bệnh viện. Mái tóc cắt tém, khuôn ngực xẹp lép, dáng đi hơi khuỳnh khoàng. Nở nụ cười hiền hậu, Phúc bảo: “Nói chuyện với em thôi, đừng hỏi gì mẹ em, không mẹ em lại khóc đấy”.

 GS. TS Trần Thiết Sơn cùng bệnh nhân
Phúc - tên thật khai sinh là Nguyễn Thu Cúc, quê ở tỉnh Thái Nguyên, 36 tuổi, với giấy khai sinh ghi giới tính: Nữ. Đây dường như là ca phẫu thuật hoàn chỉnh cuối cùng để đưa Phúc đến với giới tính thật của mình sau gần 20 năm đấu tranh tâm lý. “Cuối cùng đã được sống thật với con người mình chị ạ. 3 ca phẫu thuật trong cuộc đời - giờ em thực sự hạnh phúc, thực sự được trở thành đàn ông như sự mong muốn của tiềm thức. Hôm nay, em đã được tái tạo lại bộ phận sinh dục mà khi sinh ông trời bỏ sót” - ánh mắt Phúc rạng rỡ hơn lúc nào hết.

3 cuộc phẫu thuật lớn mà Phúc nói đến được trải qua trong sự cô đơn hơn lúc nào hết. Ca phẫu thuật đầu tiên vào năm 2004, khi Phúc đã đủ khôn lớn để hiểu bản thân cần gì. Phúc biết, mình mang căn bệnh mà khoa học gọi là “nam giới giả nữ”. Lúc đấy, mọi thông tin về căn bệnh này rất mù mờ, đặc biệt thông tin về việc xác định lại giới tính trong nước rất hiếm hoi. Dường như chẳng có bệnh viện nào thực hiện các ca xác định lại giới tính. Nhưng Phúc vẫn đến Bệnh viện Xanhpon để yêu cầu bác sĩ thực hiện ca cắt “vòng 1”.

Cơ thể bất thường của Phúc chỉ mình Phúc biết rõ. Khi dậy thì, phần âm đạo phát triển một cách bất bình thường. Cứ nửa nọ nửa kia. Phần ngực của thiếu nữ thì như chồi hoa bị sương muối, chỉ hơi nhú như một đứa trẻ tuổi 15. Thế nên em quyết định cắt bỏ phần “nụ hoa”. Ca phẫu thuật đầu tiên để chuẩn bị cho cuộc lột xác thành công.

Đau đớn khi biến đổi

Ca phẫu thuật đầu tiên của Phúc, cả nhà chẳng ai biết, kể cả người mẹ yêu con. Sống trong sự dằn vặt của người bố, Phúc nhiều lúc bỏ nhà ra đi để cho mẹ không phải chứng kiến cảnh bố con xung khắc. Ngày đó, Phúc đã bộc lộ cảm nghĩ với bố mẹ rằng: Mong muốn là được xác định lại giới tính, trở thành người đàn ông thực sự, nhưng điều đó sao chấp nhận nổi với một nếp nhà gia giáo?

Phúc tốt nghiệp Đại học Sư phạm với mong ước của bố mẹ là đi theo con đường giáo viên như truyền thống gia đình. Mong muốn ấy không thành sự thật khi vừa tốt nghiệp xong, Phúc lên đường sang Đài Loan làm phiên dịch viên. Biết con vẫn nuôi ‎ ý nghĩ “biến đổi”, bố Phúc đương nhiên là nổi giận và tuyên bố: “Sẽ từ mặt nếu cố tình thay đổi giới tính”. Phúc đành chấp nhận bị bố từ khi vẫn quyết tâm thực hiện bước phẫu thuật thứ hai tại Đài Loan.

Sang làm phiên dịch từ năm 2000, Phúc bỗng nhận ra nơi đây nhiều người bị lệch lạc giới tính như Phúc, và cộng đồng rất cởi mở với nhóm người này. Với họ, những người như Phúc là mang bệnh từ khi sinh ra, chứ không phải do ăn chơi hay đua đòi như bố Phúc nghĩ. Trong suốt quãng thời gian nung nấu suy nghĩ tìm lại giới tính đích thực, Phúc cứ đi tìm những căn cứ pháp lý, những câu chuyện hay những phương pháp hướng dẫn việc chuyển đổi dễ dàng nhất.

Cá nhân chỉ được quyền yêu cầu xác định lại giới tính khi cá nhân đó có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.

Đối với những trường hợp xác định lại giới tính khi cá nhân đó có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác thì được thay đổi tên, họ. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch có trách nhiệm căn cứ giấy chứng nhận y tế do cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính cấp để giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho người đó. Người sau khi được xác định lại giới tính hợp pháp có thể kết hôn với người khác giới (so với giới tính hiện tại của mình) theo đúng pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên nếu sau khi kết hôn mà phát hiện việc thay đổi giới tính của người đó là gian dối, không hợp pháp thì có thể hủy kết hôn ngay lập tức.
(Trích Nghị định số 88/2008/NĐ-CP ngày 5.8.2008 của Chính phủ quy định về xác định lại giới tính)
Và Nghị định 88/2008 của Chính phủ như chiếc phao cứu sinh, cho phép được xác định lại giới tính khi có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Phúc mừng lắm. Vì điều lo lắng nhất khi mọi quyết tâm chuyển đổi sang đúng giới tính thì sợ không được sửa chứng minh thư hay giấy tờ học, nhưng theo Nghị định này, những người như Phúc sau khi xác định lại giới tính sẽ được làm lại chứng minh thư và giấy tớ liên quan.

Đến tháng 1.2011, cuộc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và tử cung được tiến hành tốt đẹp. Bao đau đớn về thể xác Phúc đều vượt qua. Lúc này, chặng đường tìm lại giới tính đã đi được hai phần ba. Sau ca phẫu thuật, Phúc trở về nhà thăm mẹ. Với ca phẫu thuật này, mẹ Phúc biết. Khi nghe Phúc nói, bà lặng lẽ gật đầu!

Lột xác

Sáng ngày hôm sau, mẹ đi mua tặng Phúc cái áo phông kiểu con trai hay mặc. Nghẹn lời, Phúc chỉ nói vẻn vẹn được câu “Con yêu mẹ!”. Như vậy, Phúc thầm hiểu, mẹ đã tha thứ và chấp nhận đứa con ích kỷ này. Phúc cũng hiểu, khi mẹ chấp nhận, tức là mẹ đã phải chịu đựng nhiều áp lực và thiệt thòi tình cảm.

Ngay từ nhỏ, Phúc đã không thích mặc váy, chỉ thích mặc những thứ như con trai hay mặc, thích chơi những thứ con trai hay chơi. Gia đình Phúc lại cứ nghĩ con mình như bao đứa trẻ khác, chỉ là tâm tính nghịch ngợm. Sự phát triển cứ tự nhiên như vậy. Chính bản thân Phúc cũng không nghĩ đến lúc sẽ trở thành con trai như hiện nay.

Khi trở về nước, tình cờ Phúc đọc được thông tin tạo hình lại dương vật cho một ca bị chó cắn tại Bệnh viện Xanhpon. Giai đoạn cuối cùng của ước mơ được thắp thêm niềm hy vọng! Lần này, Phúc có mẹ ủng hộ cùng đi theo con vào bệnh viện. Có mẹ đi cùng, Phúc thêm lần nữa sẵn sàng đối mặt với cuộc đau đớn về thể xác lần thứ ba. Nốt lần này thôi, Phúc sẽ hoàn thiện phần khuyết thiếu của một người đàn ông.

“Ca phẫu thuật hoàn hảo chị ạ. Bộ phận “đàn ông” được tạo hình thêm nhìn rất đẹp. Em thực sự trở thành người đàn ông hạnh phúc nhất rồi. Các bác sĩ ở khoa Phẫu thuật tạo hình BV Xanhpon như sinh ra em lần thứ hai”, Phúc nghẹn ngào nói.

Người mẹ ngồi lặng lẽ ở hàng ghế chờ ngoài hành lang phòng bệnh. Nét mặt đượm buồn vì không còn giữ được đứa con gái bé bỏng mà bà yêu thương. Những ngày tháng sau tốt nghiệp của Phúc, người mẹ hiểu con đã phải chịu cảnh dè bỉu, chê cười của người đời vì hình dáng “chẳng giống ai”. Khi đưa hồ sơ xin việc, người ta đọc “Nguyễn Thu Cúc, giới tính nữ” so với gương mặt và bộ quần áo đàn ông người ngồi phía trước là những cái nhìn thiếu thiện cảm. Và tất nhiên, nơi đâu Phúc cũng bị loại ngay từ vòng xét hồ sơ.

Ám ảnh về một xã hội không thân thiện, Phúc quyết chí sang Đài Loan làm việc. Và từ ấy đến nay, kể cả khi chưa rõ ràng thân phận, Phúc vẫn thấy cuộc sống dễ chịu hơn khi ở Đài Loan. Có thời gian, người mẹ quá nhớ con, viết thư cầu xin con về nhà. Phúc thương mẹ, trở về.

Cũng định bụng ở nhà với mẹ, xin việc làm trong nước cho mẹ vui. Nhưng những cản trở về mặt hồ sơ và sự đối xử lạnh lùng của xã hội lại khiến Phúc phải dứt áo ra đi. Thêm nữa, người bố càng ngày càng đối xử gay gắt với Phúc. Ra đi để có cuộc sống mới, ra đi để người mẹ không phải đứng giữa hai bố con xung khắc!

“Người yêu em đang chờ em bên Đài Loan. Cô ấy là người Đài Loan thương em lắm. Em ra viện chờ khỏe thêm chút là sẽ sang đấy và dự kiến sẽ kết hôn cùng cô ấy”- giờ Phúc hoàn toàn tự tin nói về chuyện riêng tư này.

Khi quen Phúc, bạn gái Phúc hoàn toàn chưa biết Phúc mang thân phận nữ. Hai người cũng hoàn toàn chưa từng “thân mật”. Cho đến ngày Phúc thổ lộ về bệnh tật thì người bạn gái vẫn bình tâm đón nhận. Chia sẻ, chăm sóc Phúc những ngày phẫu thuật tại Đài Loan, người bạn gái cũng ủng hộ Phúc về Việt Nam tạo hình “cậu nhỏ” để phù hợp với giới tính thật.

Phúc tâm sự, công việc trả lại giới tính đúng, y học đã hoàn thành. Giờ chỉ còn thủ tục hành chính về thay hồ sơ và giấy tờ trường học là trọn vẹn. Phúc chỉ còn canh cánh trong lòng nỗi xót xa về người mẹ. Nơi ấy quê nhà, có người mẹ vừa mất một người con gái, nhưng lại vừa sinh ra một người con trai!
 

Áp dụng kỹ thuật tạo hình “cậu nhỏ” mới

 

Ngày 17/12, Khoa Phẫu thuật tạo hình (BV Xanhpon) đã tạo hình thành công “cậu nhỏ” bằng kỹ thuật mới cho ca bệnh xác định lại giới tính. Với các kỹ thuật kinh điển trước đây, các phẫu thuật viên lấy vạt da cân ở cánh tay hoặc ở lưng để tạo một dương vật mới, sau đó chuyển xuống dưới và cần trợ giúp của vi phẫu thuật mạch máu dể dương vật có thể sống được, hoặc dùng vạt da ở bụng dưới cuộn lại để tạo dương vật ngay tại chỗ và không cần đến kỹ thuật vi phẫu. Nhiều trường hợp chỉ tạo hình được thân dương vật và phải đợi một thời gian để tạo hình niệu đạo cho bệnh nhân, thường cảm giác của dương vật xuất hiện sau 9-12 tháng hoặc lâu hơn nữa.

 

Ở bệnh nhân này, một vạt da vừa đủ được lấy từ đùi trái, cuộn lại làm thân dương vật, đầu dương vật và niệu đạo. Phần da che phủ dương vật được huy động từ da môi lớn và môi bé. Ưu điểm của kỹ thuật này là tạo hình được toàn bộ dương vật mà không cần kỹ thuật vi phẫu mạch máu, dương vật được nuôi sống bằng một mạch máu lấy từ đùi và bẹn của bệnh nhân. Dương vật có cảm giác ngay sau khi tạo hình.

 

Hình thể của dương vật mới giống dương vật bình thường nhờ tạo được đầu dương vật bằng da của vạt đùi. Do kỹ thuật vi phẫu tích, kỹ thuật mới nhất trong phẫu thuật tạo hình được thực hiện dưới kính hiển vi để loại bỏ mỡ thừa tại vùng đầu dương vật, các phẫu thuật viên có thể lộn ngược vạt da từ trong ra ngoài và tạo được đầu dương vật mà không cần đến da của vùng bẹn. Đây là kỹ thuật tạo hình dương vật hoàn toàn mới mà trước đó chưa có tác giả nào trên thế giới công bố. Kỹ thuật này đã áp dụng thành công cho bệnh nhân nam bị chó cắn mất dương vật trước đó. Lần này áp dụng cho bệnh nhân nữ có xu hướng nam tính hóa. Kỹ thuật đơn giản, hiệu quả cao với kinh phí cho phẫu thuật tương đối thấp và phù hợp với điều kiện kinh tế của bệnh nhân ở Việt Nam. GS-TS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình (BV Xanhpon)


Theo Laodong

Bình luận
vtcnews.vn