• Zalo

Phạt xe chính chủ, tận thu để xây sân bay?

XeThứ Hai, 18/11/2013 11:01:00 +07:00Google News

Nhiều ý kiến trái chiều đáng suy ngẫm của độc giả về việc phạt xe không chính chủ theo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.

Nhiều ý kiến trái chiều đáng suy ngẫm của độc giả quanh vấn đề phạt xe không chính chủ theo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt từ ngày 1/1/2014.

Theo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt mới được ban hành, kể từ ngày 1/1/2014, đối với những xe máy và ô tô không chính chủ sẽ bị xử phạt.

Mức phạt với cá nhân là chủ xe máy, mô tô từ 100.000-200.000 đồng. Với tổ chức là chủ xe, hành vi này bị phạt từ 200.000-400.000 đồng.

Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với cá nhân là chủ ô tô... từ 2-4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô nếu vi phạm quy định này.

Tận thu lấy tiền xây sân bay?


'Không phạt, rút lại, nghiên cứu rồi đùng một cái lại phạt. Thái độ của các quan phụ mẫu khiến người dân hoa mắt, chóng mặt vì bị xoay như chong chóng. Đó là còn chưa kể, thông tin rối như canh hẹ, mỗi người hiểu một kiểu, ai cũng có lý của mình.

Bắt đầu xử phạt xe không chính chủ từ năm 2014
Bắt đầu xử phạt xe không chính chủ từ năm 2014 

Lãnh đạo các bộ ngành ai cũng chứng minh quy định là ích nước, lợi nhà là tốt cho quản lý, giảm tai nạn giao thông... Nhưng dư luận không phục, họ cho rằng đang bị làm khó, bị tận thu, bị coi là nguồn kiếm chác...'.

Đầu tiên là lời ca thán của độc giả Hoàng Hà: "Dân nghèo có chiếc xe máy mua lại người khác! Vậy mà bao kẻ nhằm vào để kiếm chác. Thật bất bình lắm thay".

Sự bất bình của dư luận hẳn nhiên là có lý, đếm trên đầu mỗi loại xe họ đã phải chịu cả chục loại thuế, phí, nhưng tai nạn không giảm, đường xấu vẫn phải đi.

Trong khi đó, lại có cả hàng loạt các quy định ra đời, mà quy định nào cũng chỉ phạt, muốn phạt.

Độc giả Tuanvinh thở dài: "Lại điệp khúc phạt, phạt nữa,... , phạt mãi". Còn độc giả Dân thì cho rằng: "Cứ tình trạng này thì Lợi thì có Lợi nhưng chắc Răng của người Dân chẳng còn".
Tỏ ra chia sẻ với khó khăn chung của các bộ ngành, trong 9 tháng đầu năm mà bộ ngành nào cũng than khó, hết tiền. Đến cả ngân sách Nhà nước năm nay cũng được Bộ Tài chính thừa nhận hụt thu.

9 tháng mà thu ngân sách mới chỉ đạt có 66,6% (so với các năm là 80%), điều này khiến Bộ Tài chính tin rằng sẽ không thể đạt dự toán, buộc phải xin nới trần bội chi ngân sách.

Độc giả Dung bảy tỏ: "Phải phạt là đúng rồi, Bộ GTVT đang thiếu tiền để xây sân bay Long thành và nhiều dự án khác nữa vì thế phải tăng cường phạt thôi. Nhà nước và nhân dân cùng làm mà, giờ đang bội chi ngân sách không có tiền phải dở chiêu này thôi".

Biết chấp nhận thực tế hơn, độc giả Kiến Kim đưa ra lời khuyên "dân nên chấp nhận và đừng có kêu ca".

Độc giả này giải thích, trước thực tế suy thoái kinh tế cần tăng thu nhập ngân sách, bằng mọi giá phải đề xuất thu đủ để bù vào lỗ hổng đang ngày càng tăng về các khoản chi phí thì việc thu là cần thiết.

Xác định ranh giới xe chính chủ, xe mượn như thế nào?

Nhưng cứ cho "vì dân nên phải đóng tiền" để dư luận có thể chia sẻ được, để nhân dân và Nhà nước cùng làm. Vấn đề, các quy định xử phạt này làm thế nào để thuyết phục được người dân, khiến dân chấp nhận nộp tiền mà không phải băn khoăn.

Ví như làm sao xác định được xe mượn, hay xe chính chủ, xe người nhà hay xe ăn trộm để mà xử phạt. Khi nào thì phạt 100.000, lúc nào sẽ phạt 200.000 đồng.

Hay như, một gia đình có 10 người thì tất cả đều phải có xe máy, nghĩa là phải xây thêm một căn nhà với diện tích tương đương để chứa những xe này. Hay đi ra đường, nếu muốn đi xe của bố hoặc mẹ thì phải mang cả người chính chủ đi theo hay phải làm thế nào?

"Vấn đề ở chỗ xác định xe không chính chủ với xe mượn, xe của người trong gia đình thế nào. Hay mỗi lần mượn xe lại phải mượn luôn chủ xe đi cùng hay qua chỗ công an để họ chứng nhận cho?", độc giả Nam Việt đặt câu hỏi.

Đó cũng là câu hỏi của độc giả Đại Việt Vua: "Nhà tôi có 1 xe. Bố tôi đi, con tôi đi, vợ tôi đi thì bị phạt hết à?".

Hay như lời hài hước, mỉa mai của độc giả Phandai: "Không có vợ chồng con cháu gì hết, xe ai nấy đi. Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi. Kỳ nầy dân ta chơi sang hơn tây í".

Còn độc giả Ngô Hải lại đòi hỏi sự công bằng: "Con mượn xe của bố, em mượn xe của anh... cũng bị phạt à? Sao vô lý thế mà các ông cũng đề xuất được!"

Độc giả này lập luận, việc này chỉ làm tăng túi tiền của mấy ông cảnh sát giao thông, chỉ dân là khổ. "Sao các ông không nghĩ ra cái gì đó để giảm tai nạn giao thông đi mà chỉ nghĩ đến phạt tiền của dân?", độc giả Ngô Hải nói.

Thế giới không làm thế!

Thực tế, quy định đổi xe chính chủ không phải chỉ ở Việt Nam mới có. Luật là để xử phạt. Để khỏi bị xử phạt thì phải làm theo Luật. Tuy nhiên, luật gì thì cũng phải gần với dân được dân chấp nhận thì mới thực hiện được.

Độc giả Thanh Thien chia sẻ kinh nghiệm từ nước Đức cho biết:

"Tôi đã ở nước Đức, đã mua xe cũ để sử dụng. Luật tại đây quy định trong vòng 10 ngày, phải làm xong thủ tục sang tên. Điều khác biệt là không phải đóng bất cứ khoản phí, thuế nào, trừ tiền làm lại giấy chính chủ rất thấp.

Thủ tục cũng đơn giản: Người mua cầm giấy viết tay có đủ thông tin của người bán và giấy chính chủ đến nộp cảnh sát, 15 phút sau là có giấy mới tên mình. Quý vị biết kỷ luật của Đức rồi, tốt nhất là làm ngay, nếu không muốn bị phạt".

Đó là còn chưa nói tới tình trạng ngồi trên mây ra văn bản trên trời, vừa gây lãng phí vừa làm khổ dân.

Độc giả Trần Hùng chỉ ra một thực tế: "Các loại văn bản luật hay dưới luật, các quy định chế tài của ta luôn luôn được thay đổi, bổ sung còn nhiều và nhanh hơn cả trẻ con thay Bỉm. Quá chán cho những ông làm luật vì trình độ của họ quá kém".

Cũng không oan, khi độc giả này nói như vậy khi chỉ trong một thời gian ngắn, những phát ngôn của các lãnh đạo ngành đã quay ngoắt 180 độ.

Thực tế, hành vi này đã được quy định tại Thông tư số 11 (ban hành ngày 1/3) với mức phạt từ 800.000-1,2 triệu với mô tô, xe máy; 6 - 10 triệu đồng đối với ô tô.

Tuy nhiên, quy định này đã gặp phải nhiều phản đối từ phía người dân và một số chuyên gia pháp luật về tính khả thi và tăng mức phạt.

Sự ồn ào của dư luận buộc Bộ trưởng Bộ GTVT phải lên tiếng yêu cầu rút lại dự thảo, không phạt xe chính chủ để tiếp tục nghiên cứu.

Lý do Bộ trưởng Thăng đưa ra là Thông tư 11 không có tính khả thi cao, chi phí tốn kém và điều khoản thực hiện khó.

Quan điểm này lập tức gặp sự phản ứng gay gắt từ phía Bộ Công an, đại diện Bộ Công an thậm chí còn dùng từ ngữ "chùn tay", "thiểu năng" khi nói về phóng viên và lãnh đạo Bộ GTVT trước quyết định không xử phạt.

Sau 1 thời gian xem xét, nghiên cứu, ngày 4/9, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc gửi Chính phủ đề nghị phạt chủ phương tiện thực hiện hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.

Thái độ thiếu nhất quán của lãnh đạo Bộ GTVT khiến nhiều độc giả bức xúc, dân bị rối không biết tin vào ai.

Độc giả Trần Trung ngao ngán: "Lại phạt xe không chính chủ, thật không hiểu ra làm sao cả. Cứ như thời tiết Sài gòn, sáng nắng, chiều mưa, trưa hâm hấp lòng".

Cùng tâm trạng, độc giả Minh Phúc thở dài: "Lúc nói không phạt, chưa phạt giờ lại nói phải phạt ngay 2014... kiểu gì vậy?? Hình như động cơ là tận thu thì phải?





Theo Thái An/Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn