• Zalo

Phát triển Nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế

Tin tức Đại hội ĐảngThứ Tư, 27/01/2021 20:19:06 +07:00Google News

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nông nghiệp cần khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, phát triển bền vững, hội nhập kinh tế thế giới.

Chiều 27/1, tại phiên thảo luận hội trường Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã có tham luận xoay quanh những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới.

Phát triển nông nghiệp hiện đại

Tham luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, 5 năm qua, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân đã được toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ với nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, đột phá; nhiều mô hình mới, cách làm hay, các điển hình trong lao động sản xuất đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu.

Nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới.

Phát triển Nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế - 1

Ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt khi kinh tế-xã hội khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nông nghiệp đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thặng dư xuất khẩu cao mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế-chính trị-xã hội và phát triển đất nước…, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Khẳng định 5 năm tới nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam, nhưng theo đại biểu Nguyễn Xuân Cường, nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức.

“Sản xuất nông nghiệp vẫn đang ở quy mô hộ, nhỏ lẻ, phân tán và đây là nút thắt trong hội nhập quốc tế, giảm khả năng cạnh tranh, khó khăn trong kiểm soát về chất lượng, quy trình, giá thành”, đại biểu cho biết.

Theo Bộ trưởng, mục tiêu cụ thể của ngành nông nghiệp đến năm 2025 là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5-3,0%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 48-50 tỷ USD. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%. Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, tăng cường chất lượng rừng.

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cần chú trọng thực hiện, giải quyết đồng bộ, tổng thể 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế” đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; thông tin, dự báo tình hình thị trường, tranh thủ lợi thế các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới.

Phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thông minh tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm.

Phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Tư duy kinh tế nông nghiệp

Tham luận tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho rằng: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chuyển đổi số và công nghệ viễn thám... là cơ hội để chúng ta nắm bắt các công nghệ mới, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh sự phát triển của ngành Nông nghiệp trong điều kiện bị tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các rào cản phi thuế quan của các hiệp định hợp tác kinh tế tự do song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, cũng như trong bối cảnh bình thường mới với tác động của dịch COVID-19.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, nếu sản xuất nông nghiệp chỉ lấy sản lượng làm mục tiêu, đó chỉ mới là "Tư duy sản xuất nông nghiệp.”

Tư duy đó hiện nay không còn phù hợp với xu hướng của thời đại, thay vào đó, tư duy kinh tế thị trường, căn cứ vào quy luật cung-cầu với sự điều tiết hợp lý của nhà nước, lấy thị trường làm định hướng sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển các liên kết ngang và liên kết dọc, đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình mới trong sản xuất kinh doanh, quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu người tiêu dùng, tạo ra thêm dịch vụ, trải nghiệm mới trên chính thửa ruộng, mảnh vườn, gia tăng thêm giá trị.

Phát triển Nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế - 2

Các đại biểu dự phiên họp chiều 27/1, ngày làm việc thứ ba của Đại hội XIII. (Ảnh: TTXVN)

Nói cách khác, đó là "Tư duy kinh tế nông nghiệp," xu hướng tất yếu ngành Nông nghiệp cần hướng đến, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khẳng định.

Để chuyển đổi từ "Tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "Tư duy kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã chia sẻ kinh nghiệm của Đồng Tháp và đề xuất 5 giải pháp cụ thể.

Trong đó, đáng chú ý là giải pháp phát triển tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển cộng đồng dân cư, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với thị trường, lấy thị trường là tín hiệu đầu vào cho sản xuất.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, để thay đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp thành công, cần sự thay đổi lối sống và cách nghĩ của mỗi người dân, sao cho phát huy vai trò, nguồn lực trong cộng đồng dân cư, tiến tới hợp tác, chia sẻ và cùng giúp nhau làm giàu.

Với việc áp dụng tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững, đã xuất hiện nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo đang tạo ra xu hướng sản xuất mới, hiệu quả, chứng minh quyết tâm thay đổi và sự thích ứng của người nông dân Đồng Tháp trong giai đoạn phát triển mới của ngành Nông nghiệp.

Đặc biệt, mô hình "Hội quán" được hình thành trên cơ sở hoàn toàn "tự nguyện, tự chủ, tự quản" của người dân, là một thiết chế đa chức năng mới ở nông thôn với phương châm "Chăm chỉ-Tự lực-Hợp tác" nhằm chia sẻ "chuyện làng, chuyện xóm," hướng đến hỗ trợ nhau trong cuộc sống hàng ngày và trong sản xuất, kinh doanh.

Toàn tỉnh hiện có hơn 110 Hội quán được thành lập và hoạt động ổn định, hiệu quả, với trên 6.000 thành viên tham gia và đã có 25 hợp tác xã được thành lập từ Hội quán.

Phát triển Nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế - 3

Ông Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp trình bày tham luận. Ảnh: (Ảnh: TTXVN)

Với những cách làm đó, qua một nhiệm kỳ, đặc biệt trong điều kiện đại dịch COVID-19 giai đoạn cuối nhiệm kỳ ảnh hưởng nhiều đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung, nhưng tăng trưởng GRDP bình quân của tỉnh hàng năm đạt 5,7%, năm 2020 là 3,45%, xếp thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; GRDP năm 2020 đạt hơn 87.500 tỷ đồng, gấp 1,53 lần so với năm 2015.

Kết quả đó cho thấy, Đồng Tháp đã bước đầu phát huy tốt nội lực và sức sáng tạo, từng bước chuyển đổi từ "Tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "Tư duy kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường đã duy trì sự phát triển ổn định, vượt bậc so với nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bí thư tỉnh Đồng Tháp chia sẻ.

Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tham luận về “Một số kết quả chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021-2026,” Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã xây dựng hàng vạn công trình đường, điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào.

Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, được bàn bè quốc tế đánh giá cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm 2-3%. Các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; các huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn vùng giảm 1,2%. 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thuộc diện khó khăn nhất. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao.

Khoảng cách so với vùng phát triển có xu hướng gia tăng; khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội còn thấp. Tình trạng di cư tự phát chưa được giải quyết hiệu quả.

Cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số nhiều nơi chưa đạt tỷ lệ theo quy định. Hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ở một số nơi chậm được khắc phục; vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về an ninh, trật tự.

Kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung chưa đạt được như mong muốn.

Phát triển Nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế - 4

Quang cảnh phiên làm việc chiều 27/1 của Đại hội XIII, tại hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia. (Ảnh: TTXVN)

Nhất trí cao với phương hướng, mục tiêu chung về công tác dân tộc và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã được trình bày trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, trong 5 năm từ 2021-2025, cần tiếp tục đổi mới tư duy, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.

Trong đó, kiên định, kiên trì thực hiện các quan điểm, đường lối của Đảng; Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.

Tiếp tục khẳng định đại đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược, vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là nhiệm vụ cấp bách; là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị.

Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững; phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy tinh thần tự lực, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án, mở rộng vốn tín dụng ưu đãi đối với các dự án tạo sinh kế cho đồng bào; đa dạng hóa và xã hội hóa nguồn lực, trong đó, nguồn lực nhà nước có vai trò quan trọng và quyết định để huy động các nguồn lực khác, đại biểu Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

(Nguồn: vietnamplus)
Bình luận
vtcnews.vn