Nhóm nhà khoa học từ Đại học Quốc gia San Juan, Đại học Quốc gia La Plata (Argeintina), Đại học Liên bang Rio Grande do Sul (Brazil), Đại học Andres Bello (Chile) và Đài thiên văn Vatican đã đưa ra trước mắt người Trái đất một "vùng ảo" của vũ trụ, bao gồm khoảng 10-20% bầu trời đêm mà chúng ta không bao giờ nhìn thấy được, ít nhất trong ánh sáng khả kiến của các kính thiên văn hiện tại.
Đó chính là khoảng vũ trụ bị phần trung tâm phình ra của thiên hà chứa Trái đất - Milky Way (Ngân hà) che khuất tầm nhìn.
Theo Live Science, vùng trung tâm này dày đặc sao, bụi và vật chất khác đến nỗi ánh sáng từ vùng phía sau bị phân tán hoặc hấp thụ toàn bộ trước khi đến được "mắt thần" của các kính viễn vọng.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đã gặp may mắn khi kết hợp dữ liệu nhiều kính thiên văn cực mạnh có thể phát hiện ra bức xạ hồng ngoại. Bức xạ hồng ngoại là dạng năng lượng không thể nhìn thấy bằng mắt người, nhưng đủ mạnh để xuyên thấu các đám mây khí bụi dày đặc.
Nhờ đó, từng mảnh ghép chứa đựng hàng ngàn thiên hà riêng lẻ đã được phát hiện, cho dù còn ít thông tin về các dạng cấu trúc quy mô lớn khác.
Nằm cách Trái đất khoảng 3 tỷ năm ánh sáng, một trong những cấu trúc nổi bật nhất của vùng vũ trụ này là một cụm thiên hà khổng lồ được thu hút lại với nhau bởi một thứ gì đó ở trung tâm. Có ít nhất 58 thiên hà tập hợp dày đặc trong cụm.
Phát hiện này cho thấy việc nhìn vào thế giới bị che giấu đó không phải là quá nan giải. Tuy nhiều kính thiên văn khắp thế giới vẫn bị làm "mù" bởi Ngân hà, nhưng một số kính trang bị camera hồng ngoại siêu mạnh khác bao gồm James Webb - siêu kính viễn vọng được điều hành chính bởi NASA - được dự báo có thể hoàn thành tốt việc khám phá miền vũ trụ mới này.
Nghiên cứu vừa được công bố trực tuyết trên arXiv.org, đang chờ bình duyệt để công bố chính thức trên tạp chí khoa học Astronomy and Astrophysics.
Bình luận