Siêu lân tinh là sự kiện thiên văn học biến đổi tức thời xảy ra trong giai đoạn cuối cùng quá trình tiến hóa ở các sao khối lượng lớn, đánh dấu sự hủy diệt của sao. Sau vụ nổ, một ngôi sao mới rất sáng xuất hiện, ánh sáng của nó sẽ giảm dần sau vài tuần hoặc vài tháng.
Theo Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (CfA), vụ nổ siêu lân tinh có tên SN2016aps là vụ nổ siêu lân tinh sáng nhất, phát ra nhiều năng lượng nhất và có khả năng là lớn nhất từng xảy ra. Vụ nổ xảy ra trong một thiên hà cách Trái đất khoảng 3,6 tỷ năm ánh sáng.
"SN2016aps ngoạn mục theo nhiều cách. Nó không chỉ sáng hơn bất cứ vụ nổ siêu lân tinh nào mà chúng ta từng thấy mà còn có một số tính chất và đặc điểm khiến nó trở nên hiếm hoi so với các vụ nổ sao khác trong vũ trụ", Edo Berger, giáo sư tới từ Đại học Harvard, đồng tác giả của nghiên cứu cho hay.
Nhóm nghiên cứu của ông Berger cho biết, SN2016aps vượt qua vụ nổ siêu lân tinh bình thường tới 200 lần.
Từ quy mô của vụ nổ, các nhà khoa học ước tính ngôi sao có liên quan tới vụ nổ này phải lớn gấp 100 lần khối lượng Mặt trời.
"Chúng tôi xác định trong những năm cuối cùng trước khi phát nổ, ngôi sao này đã tạo ra một lớp vỏ khí khổng lồ khi nó va đập dữ dội. Sự va chạm của các mảnh vỡ vụ nổ với lớp vỏ khổng lồ này dẫn đến độ sáng đáng kinh ngạc của vụ nổ siêu lân tinh", Matt Nicholl, giảng viên ngành thiên văn học tại Đại học Birmingham cho hay.
Bình luận