Sao chổi C/2016 U1 tiến gần tới trái đất từ ngày 31/12/2016 và đến ngày 14/1/2016 dự kiến sẽ tới điểm gần nhất với mặt trời trước khi quay về vùng Hệ mặt trời bên ngoài.
Lúc này, cư dân trái đất sẽ có cơ hội hàng triệu năm có một: Ngắm nhìn sao chổi hiếm thấy trên bầu trời đêm chỉ với một cặp ống nhòm, thậm chí là bằng mắt thường - theo trang IBTimes.
Vật thể thứ hai - 2016 WF9 dự kiến sẽ không xuất hiện trước tháng 2-2017. NASA phát hiện vật thể bí ẩn này ngày 27-11-2016 trong dự án săn tìm sao chổi và tiểu hành tinh NEOWISE. Nó có kích thước bề ngang khoảng 0,5-1 km và đang di chuyển trong quỹ đạo giống như một cuộc tham quan Hệ mặt trời. Tại vị trí xa nhất so với mặt trời, nó sẽ đến gần quỹ đạo của sao mộc.
Trong hành trình kéo dài 4,9 năm trái đất, nó di chuyển theo hướng đi vào trong, ngang qua vòng đai thiên thể chính và quỹ đạo sao hỏa cho tới khi đến gần quỹ đạo của trái đất. Sau đó, nó sẽ quay về vùng Hệ mặt trời bên ngoài.
Dù nắm rõ đường đi nước bước của 2016 WF9 như vậy nhưng các nhà khoa học của NASA vẫn chưa xác định được nó là sao chổi hay tiểu hành tinh. Cả 2016 WF9 và C/2016 U1 đều được xác định sẽ không gây đe dọa dù tiến gần trái đất.
Trong khi đó, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện nguồn gốc tín hiệu bí ẩn nhất vũ trụ mang tên xung sóng vô tuyến nhanh (FRB) - báo USA Today cho biết hôm 4-1. Theo đó, xung sóng bí ẩn khiến giới khoa học đau đầu từ khi được phát hiện lần đầu tiên năm 2007 này được kết luận đến từ một thiên hà lùn cách trái đất hơn 3 tỉ năm ánh sáng.
Bước tiến này đã đưa các nhà khoa học tới gần hơn với lời giải cái gì đã tạo ra xung sóng cực mạnh nhưng cũng siêu nhanh mà nhiều người suy đoán có thể là tín hiệu từ người ngoài hành tinh. FRB sở hữu sức mạnh của khoảng 500 triệu mặt trời nhưng chỉ kéo dài không quá 1/1.000 giây.
Có giả thuyết cho rằng ngôi sao neutron siêu đặc, có thể là sao từ (một loại sao neutron có từ trường cực mạnh bao quanh bởi bụi từ vụ nổ sao), đã sản sinh ra FRB. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng nguồn phát là luồng vật chất phun ra từ vành một hố đen siêu lớn.
FRB đầu tiên do kính viễn vọng Parkes ở Úc thu được năm 2007. Đến nay, chúng tái xuất thêm 17 lần nhưng chỉ một trong số đó - được phát hiện tháng 11-2012 tại Puerto Rico lặp lại nhiều lần.
Điều đáng chú ý là FRB còn đi kèm với một luồng sóng vô tuyến yếu hơn nhưng phát ra liên tục. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature và Astrophysical Journal Letters hôm 4-1, những quan sát có độ chính xác cao chỉ ra hai nguồn phát không thể cách xa nhau hơn 100 năm ánh sáng.
Bình luận