Năng lượng của hạt hạ nguyên tử này không thể thấy bằng mắt thường, tương đương với việc thả một viên gạch vào ngón chân của bạn từ độ cao thắt lưng, các tác giả của nghiên cứu mới cho biết trên tạp chí Science, ngày 23/11. Loại hạt này mạnh ngang với hạt Oh-My-God (hay hạt của Chúa) trong tia vũ trụ mạnh nhất từng quan sát được vào năm 1991.
Các tia vũ trụ là những hạt tích điện di chuyển qua không gian và rơi xuống Trái Đất liên tục. Các tia vũ trụ năng lượng thấp có thể phát ra từ Mặt trời nhưng các tia năng lượng cực cao thì khác. Chúng được cho là đã tới Trái Đất từ các thiên hà khác.
Bất chấp nhiều năm nghiên cứu, nguồn gốc chính xác của các hạt năng lượng cao này vẫn chưa rõ ràng. Chúng được cho là liên quan đến những hiện tượng dữ dội nhất trong vũ trụ, chẳng hạn như các hiện tượng liên quan đến hố đen, vụ nổ tia gamma và hạt nhân của thiên hà nhưng tia vũ trụ mạnh nhất mới được phát hiện dường như đến từ khoảng không vũ trụ - nơi mà không có sự kiện dữ dội nào từng diễn ra.
Các hạt được phát hiện gần đây, có tên là Amaterasu, được đặt theo tên Thần Mặt trời trong thần thoại Nhật Bản, được phát hiện bởi một đài quan sát tia vũ trụ có tên là Kính thiên văn Array ở Sa mạc phía Tây của bang Utah, Mỹ.
Kính thiên văn Array bắt đầu hoạt động vào năm 2008, đã quan sát được hơn 30 tia vũ trụ năng lượng cực cao nhưng không tia nào trong số đó mạnh hơn hạt Amaterasu đi qua bầu khí quyển ở Utah ngày 27/5/2021.
Một tia vũ trụ năng lượng cực cao mang năng lượng gấp hàng chục triệu lần năng lượng của bất kỳ máy gia tốc hạt nào do con người tạo ra, Giáo sư Vật lý Glennys Farrar tại Đại học New York cho biết.
Nguồn gốc của các hạt năng lượng cực cao đã khiến các nhà khoa học phải đau đầu. Hạt Amaterasu dường như có nguồn gốc từ nơi được gọi là Local Void, một khoảng không giáp với Dải Ngân hà.
Bình luận