Theo tờ Independent, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã tìm thấy thêm 54 hành tinh tiềm năng nằm gần Trái đất. Điều này đồng nghĩa tổng cộng các nhà nghiên cứu có thể đã khám phá ra 114 hành tinh. Nhiều hành tinh trong số đó có thể dung dưỡng sự sống.
Một trong số các hành tinh ngoài hệ Mặt trời được phát hiện là một hành tinh nóng "siêu Trái đất", có bề mặt đá và được phát hiện nằm trong một hệ sao gần thứ 4 tính từ hệ Mặt trời.
Từ việc phát hiện ra hành tinh được đặt tên Gliese 411-b này, các nhà khoa học có thể dự đoán rằng tất cả các ngôi sao gần Mặt trời của Trái đất đều có các vệ tinh tự nhiên. Do đó, tồn tại khả năng có hành tinh giống Trái đất với các điều kiện cần cho sự sống phát triển.
Những kết quả này dựa trên gần 61.000 quan sát cá nhân trên 1.600 ngôi sao do các nhà thiên văn học Mỹ tiến hành trong khoảng thời gian 20 năm sử dụng kính thiên văn Keck-I ở Hawaii.
Các quan sát nằm trong dự án Lick-Carnegie Khảo sát Hành tinh ngoài hệ Mặt trời do các nhà thiên văn học Steve Vogt và Geoffrey Marcy của trường đại học California và Paul Butler của Viện Khoa học Carnegie ở Washington, bắt đầu từ năm 1996.
Với nghiên cứu này, các nhà khoa học cho thấy ngoài vũ trụ vẫn còn rất nhiều hành tinh chờ đợi con người khám phá. Kết quả này củng cố thêm giả thuyết về sự tồn tại của người ngoài hành tinh.
Bình luận