Trong chuyến về thăm lại "người rừng" Minh Hóa, tôi được ông Đinh Hồng Nhâm cho biết vừa có một phát hiện mới, những người bạn sơn tràng của ông trong chuyến đi rừng đã đào được hàm răng hóa thạch. Với kích cỡ của nó, ông Nhâm nhận định đây là răng của một con vật khổng lồ, đã tuyệt chủng hàng ngàn năm.
Với mong muốn được mục sở thị, tôi và ông Nhâm tìm đến căn nhà nhỏ ven đường mòn Hồ Chí Minh (xã Hóa Tiến, Minh Hóa, Quảng Bình).
Hỏi chuyện về những con thú khổng lồ từng xuất hiện tại địa phương, nhiều người dân xung quanh không hề biết. Tuy nhiên, họ xác nhận là trên địa bàn thỉnh thoảng cũng bắt gặp rất nhiều câu chuyện kỳ lạ, chưa thể giải thích.
Ông Nhâm giới thiệu tôi là nhà báo, muốn tìm hiểu về hàm răng lạ. Lúc đầu anh Đinh Xuân Hồng (chủ nhà) từ chối, bảo không có, nhưng sau khi tôi bảo sẽ nhờ những nhà khảo cổ nghiên cứu giúp, sau một lúc ngập ngừng, anh cũng cho chúng tôi xem hàm răng mà anh đã tìm thấy trong một lần đi rừng 2 năm trước. Bấy lâu nay, anh cất giấu kỹ, không nói với bất cứ một ai ngoài ông Nhâm, và tiếp tục lên rừng tìm câu trả lời.
Anh Đinh Xuân Hồng với hàm răng bí ẩn được tìm thấy |
Mọi người ồ lên kinh ngạc khi nhìn thấy hàm răng lạ đó, nó có đầy đủ chân răng, mỏm răng, chiều dài cỡ khoảng 30cm, trên mặt in rõ những đường rãnh thẳng, đều tăm tắp, có nhiều chỗ đã hóa thạch, màu xám xỉn. Hình răng có kết cấu thành từng phiến, mặt nhai của răng giống như bàn nghiền, nặng 5kg.
Anh Hồng cho biết, cách đây 2 năm, anh tìm thấy nó ở một con suối lớn, chảy qua xóm Chuối, thuộc xã Lâm Hóa. Đây là một khu vực tiếp giáp với rừng rậm, hoang vu. Thỉnh thoảng anh vẫn tìm lên khu vực đó để trồng cây, đặt bẫy thú rừng.
Nó có hình thù rõ rệt như răng của một con quái thú khổng lồ |
trên mặt hàm răng lộ rõ những đường rãnh đều tăm tắp |
Thời gian trước, sau một trận lũ lớn, hai vợ chồng anh cứ đi theo con suối để đánh cá. Trong lúc đang giăng lưới, anh vướng phải một vật dưới suối, ngã nhào. Lúc đầu anh Hồng vẫn cứ tưởng đó là một cục đá, bởi chỉ có một cái mỏm nhọn hoắt chìa ra bên ngoài, nhưng đào được một lúc thì phát lộ ra cả một hàm răng lớn.
Vợ anh Hồng cứ tưởng đó là một cục đá, bảo vứt đi. Tuy nhiên, anh Hồng không nghĩ vậy khi nhìn thấy hình thù kỳ lạ và những đường rãnh nổi lên trên hàm răng đó, sau khi đã rửa sạch. Anh kiên quyết mang về nhà.
Mấy ngày tiếp theo, anh lại quay trở lại địa điểm cũ, hy vọng sẽ đào được những mảnh xương còn lại. Nhưng anh không tìm thấy điều gì khác lạ.
Anh Hồng kể lại, một thời gian ngắn sau, không biết có tin tức lan truyền như thế nào, có một người đàn ông ở thành phố Hà Tĩnh tìm đến nhà anh, giới thiệu là dân buôn cổ vật. Nhìn thấy hàm răng lạ đó, người đàn ông ra giá 13 triệu đồng, anh không bán.
Tay buôn cổ vật đó còn quay lại 2 lần nữa và tiếp tục nâng giá mua, lần cuối trả giá 40 triệu đồng. Anh Hồng vẫn kiên quyết không bán, khi anh chưa có câu trả lời rõ ràng đây là răng của loài vật gì.
Đã từng có người trả giá cao, nhưng anh Hồng kiên quyết không bán |
Một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra, anh Hồng nhờ tôi chụp ảnh, viết bài để các nhà khảo cổ nghiên cứu, vào cuộc tìm hiểu. Người rừng Đinh Hồng Nhâm sau khi quan sát kỹ đã khẳng định chắc chắn đây không phải là một viên đá, mà là hàm răng một con thú chết hàng vạn năm đã hóa thạch. Anh Hồng vẫn nghĩ đó là răng voi, ông Nhâm thì lại bảo đó là răng con thuồng luồng như trong các câu chuyện mà nhiều người dân ở Minh Hóa vẫn đồn đại.
Người rừng Đinh Hồng Nhâm thì cho rằng đây là răng của loài thuồng luồng trong truyền thuyết |
Phần lớn các ý kiến cho rằng đó là hàm răng hóa thạch của loài voi. Với kích cỡ như vậy, có người dự đoán khả năng đây là của một loài voi ma mút có lông, sinh sống hơn 1 triệu năm trước, có trọng lượng nặng đến 8 tấn hoặc hơn thế, chúng đã bị tuyệt chủng từ cách đây 10.000 năm.
Ông Nguyễn Đức Chính, ở khu chung cư Tập thể Dầu khí (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) cũng sở hữu một hàm răng voi ma mút hóa thạch tương tự như vậy, bản thân tôi đã được chứng kiến. Ông Chính là một người đam mê sưu tầm những cổ vật kỳ lạ, ông đã từng phải bỏ ra 10.000 USD để được sở hữu hàm răng đó.
Tuy nhiên, nếu như theo đúng các công trình khoa học đã nghiên cứu, thì bộ răng của voi ma mút cổ đại hoàn chỉnh phải có 4 hàm, trong khi đó anh Hồng chỉ mới tìm thấy một hàm.
Có mặt trong cuộc tranh luận, ông Đinh Xuân Minh, một người hàng xóm của anh Hồng cho biết, ông cũng tìm được một hàm răng khác.
Ông Minh cũng tìm thấy một hàm răng tương tự như hàm răng mà anh Hồng đang sở hữu |
Ông Minh kể lại, cũng vào đợt lũ lớn 2 năm trước, ông theo dòng suối đánh cá và nhìn thấy nó, nhìn thấy hình thù kỳ lạ nên mang về nhà. Địa điểm cách xóm Chuối xã Lâm Hóa chừng 2km.
Tưởng là viên đá, ông mang về nhà lấy búa đinh đập một góc xem bên trong như thế nào. Khi đập ra, nhìn thấy rõ ràng đây là hàm răng hóa thạch của một con thú, ông đã dừng lại.
Dấu vết xương hóa thạch lộ rõ khi ông Minh đập đi một góc |
Ông Minh cho rằng, núi rừng Minh Hóa trước đây là một vùng đất hoang vu rậm rạp, có điều kiện thiên nhiên lý tưởng, cho nên đây sẽ là mảnh đất sinh sống của nhiều loài dã thú, trong đó đã từng có cả voi ma mút, hay những loài có kích thước khổng lồ khác.
Chúng chết đi, trải qua hàng ngàn, hàng vạn năm, do mưa to lũ lớn, xói mòn nên những hàm răng mới phát lộ ra và ông với anh Đinh Xuân Hồng đã nhặt được. Khả năng là sẽ có nhiều mảnh xương hóa thạch của voi còn lẩn khuất trong đất đá giữa đại ngàn Trường Sơn. Ông Minh cùng mọi người đang tích cực tìm kiếm.
Và điều cần quan tâm là niên đại của hai hàm răng voi đó là bao nhiêu năm. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra và chưa có một câu trả lời thỏa đáng.
Hải Minh
Bình luận