Các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã công bố về việc phát hiện hai loài của chi thìa là hóa gỗ (Xyloselinum Pimenov & Kljuykov) ở tỉnh Hà Giang. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài do TS Nguyễn Phương Hạnh làm chủ nhiệm, thực hiện trong hai năm 2017 - 2018.
Phân lập các chất từ hai loài thìa là hóa gỗ việt (Xyloselinum vietnamense Pimenov & Kljuykov) và thìa là hóa gỗ leonid (X.leonidii Pimenov & Kljuykov), các nhà khoa học phát hiện hợp chất falcarindiol từ loài thìa là hóa gỗ việt có tác dụng gây độc cho cả bốn dòng tế bào ung thư phổi, vú, gan và tiền liệt tuyến. Thử trong ống nghiệm chất này thể hiện tác dụng kháng viêm mạnh.
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng dữ liệu sinh học, sinh thái hai loài thìa là hóa gỗ việt và thìa là hóa gỗ leonid tại khu Bảo tồn Thiên nhiên Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, và vùng núi đá vôi thuộc xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Cả hai loài đều được người dân địa phương sử dụng thân rễ ngâm rượu để uống, xoa bóp vết thương. Cây thìa là hóa gỗ thường phân bố ở độ cao 1000 - 1350 m và một số nơi nhưng đang bị khai thác mạnh vì mục đích thương mại.
Do đó, nguồn gene của chúng đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì thế các kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho việc bảo tồn nguồn gene quý hiếm và nghiên cứu sâu hơn về các đặc tính và hoạt tính mới của chi thìa là hóa gỗ ở Việt Nam
Bình luận