Ngoại hành tinh KOI-456.04 có kích thước nhỏ hơn 2 lần so với Trái đất và quay quanh một ngôi sao giống như Mặt trời mang tên Kepler-160. Kepler-160 chỉ cách hệ mặt trời 3.000 năm ánh sáng.
Theo nghiên cứu của nhóm các nhà thiên văn học quốc tế, KOI-456.04 nhận lượng ánh sáng từ sao mẹ bằng khoảng 93% so với ánh sáng mà Trái đất nhận được từ Mặt trời. Chu kỳ quỹ đạo của ngoại hành tinh này là 378 ngày, nhiều hơn 13 ngày so với hành tinh của chúng ta.
Nghiên cứu cho biết KOI-456.04 nằm trong "vùng có thể sống được" hay còn gọi là HZ. HZ là khu vực bao quanh một ngôi sao và cách ngôi sao đó một khoảng đủ lớn để những hành tinh có bề mặt rắn kiểu Trái Đất nằm trong vùng này có thể duy trì nước ở trạng thái lỏng và một bầu khí quyển tồn tại trên bề mặt của chúng. Nhờ đó, sự sống có khả năng phát triển được trên những hành tinh này.
Nhóm chuyên gia lưu ý rằng Kepler-160 - sao mẹ của KOI-456.04 không giống như các ngôi sao trung tâm của hầu hết các ngoại hành tinh khác.
Kepler-160 mờ hơn Mặt trời, phát ra ánh sáng khả kiến trong khi các sao trung tâm của hầu hết các ngoại hành tinh khác phát ra bức xạ hồng ngoại.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định cần nhiều dữ liệu hơn để chính thức tuyên bố KOI-456.04 là một hành tinh.
Nhóm nghiên cứu cho biết khả năng KOI-456.04 hội tụ các tính chất của một hành tinh thực thụ là 85%. Trong khi để một ngoại hành tinh được xác nhận là một hành tinh chính thức cần 99%.
Bình luận