Kỳ 2: (kỳ cuối): Sâm Lai Châu và Ngọc Linh, sâm nào quý hơn?
Như đã nói ở kỳ trước, khi lên đến độ cao 2000m trên chặng đường chinh phuc đỉnh Pu Si Lung, cao 3.083m, thuộc Pa Vệ Sử (Mường Tè, Lai Châu), thì tôi và lương y Phạm Văn Thanh tìm vào khu rừng rậm không có dấu chân người và phát hiện một quần thể loài tiết trúc sâm ruột đen cực kỳ quý hiếm, cùng dòng với sâm Ngọc Linh.
Tiết trúc sâm là loài thực vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ, hiện ở tình trạng cực kỳ nguy cấp. Thế nhưng, hiện có rất nhiều tranh cãi về loài thảo dược này, về tác dụng chữa bệnh, dược lý, cũng như giá trị thực sự. Chính vì sự tranh cãi này, mà người tiêu dùng gần như không hiểu biết mấy, bị giới buôn bán dược liệu dắt mũi, lừa đảo rất nhiều.
Tiết trúc sâm là tên gọi chung của một loài sâm, sinh trưởng theo kiểu mọc đốt, nên còn gọi là đốt trúc, tức là mọc đốt như cây trúc. Hầu hết, mọi người đều khẳng định mỗi năm ra một đốt, nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Tùy vào thổ nhưỡng, tùy vào vùng miền địa lý, mà chúng ra đốt nhiều hay ít không theo quy chuẩn nào cả. Có cây sâm mọc củ, vài năm sau mới bắt đầu ra đốt. Có cây mỗi năm củ mọc 2-3 đốt, có củ còn mọc thành nhiều nhánh, mỗi nhánh ra vài đốt một năm. Vậy nên, không có một nguyên lý chung nào tính tuổi sâm theo đốt cả.
Những người sành về dược liệu, thường phân chia giá trị của sâm tiết trúc theo mùi vị, rồi đến màu sắc, hình dạng củ, lá. Loại sâm có vị đắng dịu, sau đó ngọt hậu lưu lâu ở đầu lưỡi, cuống họng, là sâm quý nhất. Đây chính là dòng sâm đắt tiền nhất, gắn với thương hiệu nổi tiếng Ngọc Linh, được dược sĩ Đào Kim Long và cộng sự phát hiện năm 1972 ở dãy Ngọc Linh.
Loại sâm đúng dòng Ngọc Linh này thường có 2 hai màu sắc củ khác nhau, một là màu vàng, hai là màu đen hoặc tím thẫm gần như đen.
Phân biệt theo mùi vị, còn có những loại ít đắng, không ngọt, thậm chí re re đầu lưỡi, hoặc dính ở lưỡi và cổ. Những loài này kém chất lượng hơn và được định giá thấp.
Đấy là phân biệt theo mùi vị, còn phân biệt theo màu sắc, thì khá đa dạng. Loại quý nhất là ruột màu đen và màu vàng. Riêng ruột vàng cũng có nhiều loại, cắt lát củ thấy nhiều hình thái, rồi độ đậm nhạt của màu sắc. Ngoài ra, còn có loại ruột tím, ruột xám ghi, ruột trắng. Về loại ruột trắng, thì loại lá xẻ thùy được đánh giá thấp nhất.
Vì cùng là dòng sâm tiết trúc, nên chúng đều là dược liệu quý cả. Tuy nhiên, giá trị thì chênh lệch nhau khủng khiếp. Nếu như loại ruột trắng, lá xẻ, chỉ có giá vài trăm ngàn, đến vài triệu đồng/kg tùy to nhỏ, thì loại ruột vàng, ruột đen, có vị đắng ngọt, có giá vài chục triệu, đến hàng trăm triệu đồng/kg. Vừa qua, cả nước xôn xao vụ đào được củ sâm Ngọc Linh, khoảng 20-30 năm tuổi, nặng 8 lạng, được bán với giá 250 triệu đồng. Bây giờ, có thể bỏ cả tỷ cũng không mua lại được củ sâm đó từ người sưu tầm.
Vì có rất nhiều loại trong dòng tiết trúc sâm, giá trị dược liệu chưa rõ chênh nhau nhiều không, nhưng giá tiền chênh nhau rất nhiều, nên bao năm qua, chuyện buôn bán, sử dụng loại thảo dược quý này rất mù mờ. Có thể khẳng định rằng, hầu hết sâm Ngọc Linh hoang dã, được rao bán trên thị trường, chỉ là sâm tiết trúc, thuộc một trong số những loại nêu trên. Bởi vì, sâm Ngọc Linh hoang dã gần như tuyệt chủng từ nhiều năm trước, chứ không còn để rao bán rất nhiều ngoài thị trường. Hầu hết sâm tiết trúc ở tây bắc Việt Nam, phía nam Trung Quốc và bên Lào, được đưa vào các tỉnh quanh vùng Ngọc Linh, giả làm sâm Ngọc Linh.
Việc phân biệt đâu sâm tiết trúc mọc ở Ngọc Linh (gọi là sâm Ngọc Linh) với tiết trúc mọc ở vùng khác là vô cùng khó khăn, gần như không thể. Hiện tại, các mẫu xét nghiệm mới chỉ định tính sâm Ngọc Linh ở hoạt chất MR2, Grb1, Grb2. Thế nhưng, có một thực tế, là hầu như tất cả các loại sâm tiết trúc đều cho ra kết quả này. Thậm chí, nhiều củ sâm Ngọc Linh đem đi phân tích có thể lại không có những hoạt chất đặc trưng đó. Thế nên, dân buôn dược liệu thường sử dụng các mẫu phân tích, định tính để lừa bịp người tiêu dùng. Thế mới có chuyện, một chuyên gia về sâm Ngọc Linh, khi vào Quảng Nam, còn mua phải sâm giả mang về Hà Nội. Chuyện ấy trở thành câu chuyện hài truyền miệng trong giới buôn sâm. Có thể nói, việc phân biệt sâm tiết trúc mọc ở Ngọc Linh hay vùng khác, chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm mà thôi.
Nói như vậy, không có nghĩa là khẳng định sâm tiết trúc mọc ở Ngọc Linh, là loài tốt nhất. Chưa có cơ sở khoa học nào chắc chắn khẳng định như vậy. Sâm Ngọc Linh có thương hiệu, nên đang được thổi phồng giá trị. Vì thế, dòng sâm tiết trúc mọc ở vùng Lai Châu, Lào Cai, Lào, buộc phải dựa hơi thương hiệu Ngọc Linh để đưa đến tay người tiêu dùng.
Người Trung Quốc hiểu biết về dược liệu, đặc biệt là sâm từ rất lâu đời. Họ không phân biệt sâm Ngọc Linh với sâm vùng khác, mà họ đánh giá giá trị dựa vào mùi vị và màu sắc của củ sâm. Người Trung Quốc không mua sâm Ngọc Linh bao giờ, vì nó quá đắt, nhưng họ thu mua sâm tiết trúc đến mức tuyệt chủng ở miền bắc Việt Nam.
Hơn 20 năm trước, người Trung Quốc mang mẫu sang Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang gặp đồng bào Mông và tìm mua... khoai lang núi. Đồng bào xé nát các cánh rừng nhổ tiết trúc sâm với tên gọi khoai lang núi bán cho họ, giá cực kỳ rẻ mạt. Ngoài ra, họ cũng gọi nó là tam thất hoang, để so với tam thất bắc trồng ở Trung Quốc, để giảm giá trị của sâm tiết trúc. Sau bao năm thu mua, loài tiết trúc gần như tuyệt chủng rồi, thì chúng ta mới biết đến giá trị của nó.
Nhiều năm nay, ở vùng Lai Châu, cứ nhắc đến tam thất hoang, đồng bào lại ồ lên kể chuyện người này, người kia, ở bản này, bản nọ, đào được củ tam thất hoang ruột đen, bán cho Trung Quốc kiếm được mười mấy, thậm chí mấy chục triệu đồng.
Loại sâm ruột vàng, thuộc dòng sâm Ngọc Linh, giới buôn dược liệu Trung Quốc thu mua với giá 10-20 triệu đồng/kg, thế nhưng, sâm ruột đen thì giá cao hơn nhiều, thậm chí đắt gấp đôi, đến 40 triệu đồng/kg. Người Trung Quốc định giá dược liệu rất chuẩn, nên xét về khía cạnh này, thì trong con mắt của người Trung Quốc, hiện tại, sâm tiết trúc ruột đen trên các dãy núi thuộc tỉnh Lai Châu được đánh giá cao hơn, tốt hơn cả sâm Ngọc Linh.
Sau này, về Lai Châu tìm hiểu cặn kẽ, mới biết, dân buôn dược liệu Trung Quốc vẫn xuất hiện ở các bản làng heo hút trên núi cao, và đặt tiền để người dân đi săn lùng, nhổ tận diệt từ củ to đến củ nhỏ. Họ chỉ xuất hiện ở sườn tây dãy Hoàng Liên Sơn, kéo dài từ huyện Phong Thổ, Tam Đường, qua Sìn Hồ, đến Mường Tè. Hình như, chỉ có những dãy núi cao, thuộc 4 huyện của Lai Châu, mới có sự xuất hiện của loài sâm quý này. Tiếc rằng, khi chúng ta chưa nghiên cứu, thì chúng đã trên đà tuyệt chủng.
Sau một buổi lần lục trong khu rừng thâm u, phát hiện được vài chục gốc sâm tiết trúc, loại ruột đen vô cùng quý hiếm, lương y Phạm Văn Thanh bới đất, cắt một đoạn củ, cho vào ba lô, đem về làm mẫu phân tích.
Chúng tôi rời dãy Pu Si Lung cao vời vợi, mặc kệ khu rừng với những gốc tiết trúc sâm chìm vào quên lãng. Đường về hoang hoải, nhưng cứ ngẫm ngợi ao ước, giá như cánh rừng đó được khoanh lại, để bảo tồn, nhân giống loại sâm quý giữ cho muôn đời sau thì tốt biết mấy. Biết đâu, lại có được một vùng sản xuất sâm quý, tạo ra vô số tỷ phú như quanh núi Ngọc Linh
Phạm Ngọc Dương
Bình luận