BBC cho biết những cấu trúc nhỏ dạng ống được các nhà khoa học của trường University College London (Anh) phát hiện trên các cổ thạch ở Quebec, Canada. Họ cho rằng đây có thể là những bằng chứng sớm nhất về sự sống xuất hiện trên Trái Đất.
Trong công trình đăng trên tạp chí Nature, các nhà khoa học cho rằng những vật thể này có thể được hình thành từ khoảng 3,77 tỷ đến 4,28 tỷ năm trước.
Các cấu trúc này có chiều rộng nhỏ hơn cả đường kính sợi tóc, không thể nhìn thấy bằng mắt thường và có chứa một lượng đáng kể chất haematie (một dạng hợp chất gồm sắt oxide).
Nó được cho là tàn tích của một loại vi khuẩn từng sinh trưởng dưới nước, xung quanh các lỗ thông thuỷ nhiệt và dựa vào các phản ứng hoá học để tích luỹ chất sắt làm năng lượng.
Video: Nghi vấn căn cứ che giấu sự sống ngoài hành tinh ở Trung Quốc
Nhóm nhà nghiên cứu cho rằng những hoá thạch này có thể là bằng chứng mở ra cái nhìn về nguồn gốc sự sống trên Trái Đất.
“Nếu những hoá thạch từ các mỏm đá này thực sự cách đây 4,28 tỷ năm thì chúng ta sẽ sớm biết được sự sống phát triển như thế nào sau khi đại dương hình thành cách đây 4,4 tỷ năm”, nhà nghiên cứu Matthew Dodd, đại diện nhóm tác giả, nói.
Bình luận