Với 325 phiếu thuận và 306 phiếu chống, các nghị sĩ Anh đã thể hiện sự tín nhiệm với chính phủ của Thủ tướng Theresa May, chỉ 24 giờ sau khi Quốc hội Anh không thông qua thỏa thuận Brexit do bà May đề xuất, khiến việc “ra đi” của Anh rơi vào hỗn loạn.
Sau khi kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được công bố trong sự cổ vũ của các nghị sĩ Bảo thủ, bà May nói quốc hội có nhiệm vụ tìm giải pháp cho kết quả trưng cầu dân ý Brexit 2016.
“Tôi hài lòng trước việc Hạ viện bày tỏ sự tin tưởng đối với Chính phủ. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng cường sự thịnh vượng, đảm bảo an ninh cho nước Anh. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện những cam kết đã hứa với người dân nhằm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân về Brexit và rời Liên minh châu Âu. Tôi tin tưởng mọi thành viên Hạ viện đều chia sẻ trách nhiệm này với chúng tôi và chúng ta có trách niệm để xác định đường hướng đảm bảo sự ủng hộ của Hạ viện đối với Chính phủ", Thủ tướng May nói ngay sau cuộc bỏ phiếu.
Nhưng phần lớn các nghị sỹ ủng hộ Thủ tướng May cho rằng, với những bế tắc phía trước, Vương quốc Anh có thể phải đối mặt với sự hỗn loạn về việc không có thỏa thuận Brexit, trì hoãn Brexit, hoặc thậm chí một cuộc trưng cầu dân ý khác về tư cách thành viên EU.
"Hiện tại các nghị sĩ đã nói rõ những gì họ không muốn, tất cả chúng ta phải cùng nhau xây dựng để đưa ra những gì quốc hội muốn", bà May nói trong một tuyên bố bên ngoài văn phòng ở Downing Street. "Vì thế tôi mời các nghị sĩ từ tất cả các đảng đến với nhau để tìm cách tiến lên. Bây giờ là lúc để đặt lợi ích cá nhân sang một bên."
Ngay sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, bà May đã gặp lãnh đạo một số đảng, nhưng nhà lãnh đạo phe đối lập chính, ông Jeremy Corbyn, đã từ chối tổ chức các cuộc đàm phán trừ khi việc Brexit không có thỏa thuận bị loại trừ.
10 tuần trước khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu vào ngày 29/03 tới, các nghị sĩ Anh đã đóng sập hoàn toàn cánh cửa đối với thỏa thuận Brexit đạt được giữa Thủ tướng Theresa May và các nhà lãnh đạo châu Âu sau nhiều tháng đàm phán khó khăn. Tại một Nghị viện Anh luôn trong tình trạng “quá nóng” những tuần qua, ngày 15/1, 432 trên tổng số 650 nghị sĩ đã quyết định chọn nói “không” với văn kiện.
Đây là kết quả của liên minh giữa 3 lực lượng đối lập song với những mục tiêu rất khác nhau: những người Công đảng luôn muốn bà May phải ra đi nhằm thúc đẩy các cuộc bầu cử sớm và trở thành lực lượng lãnh đạo, những người ủng hộ Liên minh châu Âu hi vọng có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về Brexit và cuối cùng là những người ủng hộ một Brexit cứng, tức là một sự cắt đứt hoàn toàn với Liên minh châu Âu.
Bình luận