• Zalo

Pháp-Đức: Có không một cuộc báo thù?

Thể thaoThứ Sáu, 04/07/2014 07:00:00 +07:00 Google News

(VTC News) - Đức và Pháp chưa bao giờ là những quốc gia thù địch trong môn bóng đá.

(VTC News) - Đức và Pháp chưa bao giờ là những quốc gia thù địch trong môn bóng đá.

Nếu được chọn một đội tuyển bóng đá mà người Pháp căm ghét nhất, thì chắc chắn tuyển Đức sẽ phải xếp sau rất nhiều cái tên như Italia, Anh hay thậm chí là …Algeria, đất nước ở Bắc Phi có nhiều mối quan hệ về chính trị với nước Pháp. 
Không giống như Hà Lan hay Anh, những đội tuyển mà mối hận thù giữa họ với tuyển Đức bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, tuyển Pháp chưa có căng thẳng nào trong lịch sử với Mannschaft, cho đến năm 1982.
Pha va chạm giữa Schumacher và Battiston ở trận bán kết World Cup 1982. 
Trận bán kết World Cup 1982 giữa Đức và Pháp được nhớ tới như một trong những trận đấu hay nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, với 6 bàn thắng được ghi trong 120 phút thi đấu, và chỉ được phân định thắng thua sau loạt penalty đầy cân não. Platini gọi đó là trận đấu đẹp nhất trong đời cầu thủ của ông, nhưng với đại đa số người dân Pháp, đó lại là một kỷ niệm không dễ gì quên được sau pha phạm lỗi thô bạo của thủ môn Schumacher với Battiston ở phút cuối trận.

Hậu vệ người Pháp đã bị gẫy 2 chiếc răng, 3 chiếc xương sườn và bất tỉnh nhân sự trên sân sau pha va chạm cực mạnh với thủ môn người Đức. Schumacher chỉ phải nhận một chiếc thẻ vàng trên sân, và những lời phát biểu không hề mang tính hối lỗi của anh sau đó đã đẩy căng thẳng giữa hai bên gia tăng, tới mức mà thủ tưởng Đức Schmidt và tổng thống Pháp Mitterand sau đó từng phải ra thông báo chung về vấn đề này.

Ngày 8/7/1982 sau đó vẫn được người Pháp gọi bằng cái tên “Thảm họa ở Sevilla”, nhưng nó cũng đánh dấu một sự thay đổi lớn với nền bóng đá xứ sở Gà trống. Trước năm 82, thành tích của đội tuyển Pháp trên đấu trường quốc tế gần như là con số không, và dấu ấn lớn nhất mà họ để lại chỉ là thành tích ghi bàn khủng khiếp 13 bàn của Just Fontaine tại kỳ World Cup 1958. Chính thất bại trên chấm 11m trước người Đức ở World Cup 1982 đã khiến người Pháp bừng tỉnh.

Họ luôn nghĩ rằng mình là nạn nhân của một điều gì đó không công bằng trong bóng đá, và cùng nhau đứng dậy với một quyết tâm và đoàn kết chưa từng có. Hai năm sau, thế hệ của Platini giành chức vô địch Euro 1984, cùng với tấm huy chương vàng Olympic tổ chức tại Mỹ. Pháp trở thành một quyền lực thực sự của bóng đá thế giới, với 2 chức vô địch World Cup và Euro liên tiếp năm 1998 và 2000.

Ý nghĩa là vậy, nhưng có lẽ ít cầu thủ Pháp nào trong đội hình hiện tại của Deschamps hiểu hết được tính chất lịch sử trong cuộc đối đầu với người Đức vào đêm mai. Trừ thủ môn số 3 Landreau, toàn bộ các cầu thủ Les Bleus đều chưa sinh ra vào thời điểm 1982, đến ngay cả HLV Deschamps cũng chỉ là một cậu bé 14 tuổi ở thời điểm đó. 
Với họ, trận đấu ở Maracana huyền thoại chỉ đơn giản là một trận tứ kết đầy khó khăn với một trong những đội bóng được đánh giá cao nhất ở World Cup 2014. Nếu chiến thắng, đó sẽ lại là một bước chuyển mình to lớn nữa với đội bóng áo lam. Họ đã chính thức vượt qua thời kỳ đen tối hậu World Cup 2006.

Chí Thiện
Bình luận
vtcnews.vn