Trước thềm World Cup 2022, tin đồn HLV Zinedine Zidane thay Didier Deschamps dẫn dắt đội tuyển Pháp từ năm 2023 tạo ra hiệu ứng lớn, dù chưa được kiểm chứng. Zidane là tên tuổi lớn, từng huấn luyện Real Madrid giành 3 chức vô địch Champions League liên tục.
Giới mộ điều chờ đợi Zidane sẽ tạo nên lối chơi tấn công đáng xem cho Pháp, vốn được biết đến với sự hào hoa của Michel Platini, Just Fontaine, Jean Pierre-Papin hay chính Zidane. Nhưng, khoan nói đến chuyện Zidane có huấn luyện Pháp không, hay huấn luyện rồi thì xây dựng lối chơi hấp dẫn thế nào, cần thừa nhận một điều: Pháp chưa chắc cần Zidane lúc này.
HLV Didier Deschamps vẫn đang làm rất tốt nhiệm vụ. Phong cách chơi của "Gà trống Gaulois" dưới thời Deschamps không hấp dẫn, thậm chí đôi lúc nhún nhường, chịu đựng và thực dụng đến mức đối lập với tài nguyên cầu thủ dồi dào của bóng đá Pháp. Song, sự thực dụng ấy mới đang là yếu tố giúp Pháp tiến vào trận chung kết World Cup thứ hai chỉ trong ba kỳ Deschamps nắm quyền.
Đập tan hoài nghi
Nếu trong danh sách ứng viên vô địch hàng đầu, cái tên Pháp xếp dưới Argentina, Brazil, thậm chí Anh hay Bồ Đào Nha, có lẽ không nhiều người phàn nàn. Pháp là đương kim vô địch, nhưng "Gà trống Gaulois" dự giải mà thiếu vắng tới nửa đội hình mạnh nhất.
Pháp vắng cặp tiền vệ thép ở World Cup 2018 gồm N'Golo Kante và Paul Pogba. Trước ngày đá trận khai màn, đến lượt Karim Benzema chia tay đội. Ở trận gặp Australia, Lucas Hernandez dính chấn thương. Presnel Kimpembe không kịp hồi phục, Rafael Varane mới trở lại, Benjamin Pavard cũng gặp vấn đề.
Trên hàng công, Pháp chỉ có Olivier Giroud đã 36 tuổi là trung phong khả dĩ duy nhất. 4 năm trước, Giroud không ghi bàn, cũng không sút trúng đích lần nào trên hành trình vô địch của Pháp.
Đội hình tan nát vì chấn thương buộc Deschamps phải xoay bài, vừa đá vừa thử nghiệm con người. Bộ đôi Adrien Rabiot và Aurelien Tchouameni lần đầu chơi cùng nhau ở một giải lớn. Dayot Upamecano, miếng ghép mới của "Les Bleus", đá ở trung tâm hàng thủ. Do thay cả tuyến giữa, nên vai trò của Antoine Griezmann cũng bị dịch chuyển.
Hugo Lloris, Varane, Kylian Mbappe và Giroud là 4 cầu thủ hiếm hoi còn trụ lại trong đội hình Pháp đăng quang tại World Cup 2018.
Nhưng, bỏ qua mọi khó khăn, Pháp của Deschamps vẫn giữ được nền móng lối chơi. Đó là phòng ngự chặt, chuyển đổi trạng thái nhanh rồi ra đòn chớp nhoáng ở thời điểm đối phương sơ hở. Pháp thắng 6 trong 7 trận ở World Cup 2018 và 5 trong 6 trận ở World Cup 2022 đều cùng với phong cách này.
"Gà trống Gaulois" lùi về như chiếc lò xò nén, kiên trì chịu đựng áp lực, thậm chí nhún nhường tới mức "đau khổ" như thời lượng cần bóng 38% ở trận gặp Maroc đêm qua, nhưng đã ra đòn, các học trò của Deschamps luôn biết cách đánh bật đối thủ.
Mbappe chỉ cần một khoảnh khắc đập nhả một chạm với Theo Hernandez để ấn định chiến thắng cho Pháp trước Đan Mạch. Griezmann cũng mở khóa hàng thủ Anh với quả tạt như đặt cho Giroud đánh đầu ghi bàn, ở thời điểm Pháp bị Anh dồn ép.
Đêm qua, Theo Hernandez sút tung lưới Maroc cũng trong pha lên bóng có nét đầu tiên của Pháp, được thực hiện vỏn vẹn trong 3 đường chuyền.
Lực lượng biến động cùng đặc thù ngắn ngày của World Cup buộc Pháp phải vừa đá vừa sửa, thích nghi với từng đối thủ. HLV Deschamps là một trong không nhiều nhà cầm quân đã xây dựng triết lý cốt lõi cho đội tuyển. Triết lý ấy đậm đặc đến mức dù đội hình bị xào xáo ở những vị trí trọng yếu (trung vệ, tiền vệ trung tâm), Pháp vẫn đá trơn tru.
Ở trận gặp Maroc, Pháp mất Rabiot và Upamecano, nhưng hiệu quả thi đấu không thay đổi. Youssouf Fofana đi bóng dũng mãnh để mở ra bàn nhân đôi cách biệt cho Pháp, Ibrahima Konate vững chãi ở hàng thủ. Cầu thủ trẻ Kolo Muani vừa vào sân 1 phút đã ghi bàn cho Pháp.
HLV Deschamps tạo ra cảm giác, Pháp luôn biết cách giải quyết đối thủ. Trận đấu càng cân não, cửa thắng của "Gà trống Gaulois" càng rõ ràng.
Bản lĩnh Deschamps
Người ta có thể giải nghĩa thành công của Deschamps bằng nhiều lát cắt: triết lý rõ ràng, giỏi điều chỉnh và thích nghi hay thực dụng tàn nhẫn. Nhưng, yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên vinh quang của Deschamps nằm ở khả năng quản lý đội hình.
Tiếp quản một đội tuyển Pháp trong giai đoạn chuyển giao hỗn độn, phức tạp, với đội hình đa sắc tộc và không thiếu cái tôi trải dài nhiều thế hệ như Benzema, Mbappe, Pogba,... nhưng Deschamps vẫn quản lý tốt phòng thay đồ.
Từng chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự và sở hữu lối chơi sắt đá, Deschamps hiểu rõ vai trò của kỷ luật. Ông ưu tiên xây dựng tập thể đoàn kết làm nền móng thành công. Pháp mất tới 10 năm sau World Cup 2006 để trở thành đội bóng thực sự như Deschamps mong muốn. Khi đã có nền tảng tốt, Pháp đã bứt lên rất nhanh.
Một minh chứng cho khả năng điều hòa tập thể của Deschamps là trường hợp của Giroud và Mbappe. Trước EURO 2020, Giroud từng ám chỉ một số cầu thủ không muốn chuyền bóng cho anh. Mbappe tức giận với chia sẻ này, anh quay lưng và không giao tiếp với Giroud trong phòng thay đồ. Thậm chí, Mbappe còn nói anh "chán ngấy gã Inzaghi này", ám chỉ lối chơi "mắc võng" của Giroud trong vòng cấm.
Nhưng, Mbappe và Giroud đã làm lành, rồi cùng nhau ghi 9 bàn cho Pháp ở World Cup 2022. Hình ảnh Giroud ôm chặt Mbappe ở trận gặp Ba Lan cho thấy rõ Pháp hiện tại như một gia đình.
Hay Benzema, cầu thủ từng không được triệu tập lên tuyển suốt 6 năm, cũng chơi tốt khi trở lại với 4 bàn ở EURO 2020 và 3 bàn giúp Pháp vô địch Nations League. Pháp từng rơi vào tình trạng chia rẽ, nhưng dưới thời Deschamps, một đội tuyển bất ổn và tranh cãi chỉ còn là câu chuyện của ngày hôm qua.
HLV Deschamps đã san bằng thành tích dự hai trận chung kết World Cup ở hai kỳ liên tiếp của HLV huyền thoại Vittorio Pozzo (Italy) trong giai đoạn 1934-1938. Nếu vô địch World Cup, Deschamps sẽ giúp Pháp trở thành đội tuyển thứ ba trong lịch sử (sau Italy và Brazil) bảo vệ thành công ngai vàng thế giới.
Cánh cửa lịch sử đang rộng mở chờ đón đội tuyển Pháp và HLV Deschamps.
Bình luận