Cuộc so tài giữa Pháp và Maroc không mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả trung lập. Diễn biến 90 phút tại Al Bayt có phần tẻ nhạt hơn những gì người hâm mộ mong đợi ở một trận bán kết của đấu trường World Cup.
"Mong là đội tuyển Pháp đừng coi trọng chúng tôi", HLV Walid Regragui của Maroc phát biểu trước trận bán kết. Bất ngờ mà họ tạo ra ở trận trước càng lớn, xác suất để điều đó xảy đến ở trận tiếp theo càng nhỏ, nhất là khi họ phải đối đầu với đội tuyển Pháp của HLV Didier Deschamps.
Rõ ràng là đội tuyển Pháp không đi vào vết xe đổ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Họ dành cho Maroc sự thận trọng đủ lớn để không mắc sai lầm.
Bài học ở EURO 2020 là quá đủ để nhà đương kim vô địch thế giới loại bỏ yếu tố biểu diễn - thứ luôn tiềm ẩn nguy cơ cao - trong lối chơi. Ai cũng biết Pháp sở hữu lực lượng tốt đến thế nào. Họ không cần khoe mẽ điều đó hơn mức cần thiết cho một chiến thắng.
Chất lượng đội hình giúp đội tuyển Pháp có thể tự tin giữ thế trận theo ý muốn. Làm chủ trận đấu không phải lúc nào cũng là giữ bóng áp đảo, giống như trường phái bóng đá tấn công kiểu Đức hay Tây Ban Nha hiện tại. Kiểm soát kiểu Pháp có nghĩa là muốn làm gì ở thời điểm nào cũng được.
Sẽ không có chuyện đội tuyển Pháp tấn công ào ạt, phô trương trừ khi họ để đối thủ chọc thủng lưới trước. Nhưng một khi đã rơi vào thế phải ghi bàn, đội tuyển Pháp tăng tốc và có được điều mà họ muốn. Đó là điều mà Australia và Tunisia từng trải qua. Australia giữ được thế dẫn bàn trong 18 phút. Tunisia đã đánh rơi chiến thắng khi tiếng còi mãn cuộc vang lên, trước khi trọng tài đổi ý và hủy bàn thắng của Antoine Griezmann.
Theo thống kê của Whoscored, tỉ lệ kiểm soát bóng của đội tuyển Pháp trước Maroc chưa đến 40%. Số cơ hội mà họ tạo ra không nhiều hơn đối thủ. Nhà đương kim vô địch thế giới tạo ra cảm giác là họ ngang cơ với Maroc.
Trừ Australia thua kém quá nhiều và Tunisia đấu với đội hình dự bị của Pháp, cả 4 đội tuyển Đan Mạch, Ba Lan, Anh và Maroc đều có một thế trận ngang ngửa, hoặc không lép vế đến mức chịu trận khi đối đầu với Kylian Mbappe và đồng đội. Thế nhưng, điều quan trọng là khán giả theo dõi trận đấu sẽ không nhận thấy cơ hội chiến thắng của các đối thủ này.
Làm mọi thứ ở mức vừa đủ khiến cho đội tuyển Pháp càng trở nên nguy hiểm. Không ai biết giới hạn của HLV Didier Deschamps là gì, khi mà đội bóng này luôn tạo ra cảm giác rằng họ còn thứ gì đó giấu trong tay áo.
Cơ hội tạo ra bất ngờ của Maroc có thể cao hơn đáng kể nếu đối thủ mà họ gặp là đội tuyển Pháp của EURO 2020 - phiên bản mang phong thái kiêu ngạo một cách hợp lý của đội bóng đang là đương kim vô địch World Cup. Les Bleus khi đó thất bại từ một cú mất bóng của Paul Pogba, một biểu tượng cho thứ bóng đá phô trương. Đội tuyển Pháp đến World Cup 2022 không có Pogba, và cũng không còn là gã kiêu ngạo sau khi bị đánh rơi trở lại mặt đất.
Các cầu thủ Pháp và cả HLV Didier Deschamps nhắc đến từ "chịu đựng" không ít lần khi nói về các trận đấu của họ ở World Cup 2022. Đó là sự lì lợm của nhà vô địch, một phẩm chất được tạo nên một cách tự nhiên nhờ sự góp mặt của những ngôi sao. Và khi đã chống chịu được trước sức tấn công của đối thủ trong một khoảng thời gian nhất định - vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đội tuyển Pháp tung đòn kết liễu.
"Họ không làm được gì đặc sắc cả, nhưng cũng không mắc một sai lầm nào. Đó chính là câu thần chú của đội bóng này. Không mắc sai lầm mà phải tận dụng triệt để sai lầm của kẻ khác", Julien Laurens, bình luận viên của ESPN viết về bí quyết chiến thắng của đội tuyển Pháp.
Đội tuyển Pháp mạnh nhất là khi họ chơi thứ bóng đá tẻ nhạt. Mất đi một vài ngôi sao ở một góc độ nào đó cũng có mặt tích cực, đó là khiến cho HLV Didier Deschamps thêm kiên định với triết lý thực dụng, khi ông bị đẩy vào thế phải làm như vậy vì lực lượng trong tay không phải là lý tưởng.
Đội tuyển Pháp lì lợm đối đầu với Argentina lọc lõi, trong một trận đấu mà cả 2 bên đều sở hữu ngôi sao có khả năng thay đổi cục diện trận đấu trong khoảnh khắc. Trận chung kết World Cup 2022 sẽ là cuộc đấu trí, đọ sức thú vị.
Bình luận