• Zalo

Phản ứng bất ngờ của NATO khi UAV Nga ‘đi lạc’ hơn 30 phút trên bầu trời Romani

Quân sựThứ Ba, 10/09/2024 08:16:04 +07:00Google News
(VTC News) -

Mặc dù thường xuyên bị UAV và tên lửa của Nga ghé thăm, tuy nhiên cả Romani và NATO đều tỏ ra rất bình thản trước những sự việc như vậy.

Theo Bulgarian Military, một máy bay không người lái của Nga đã vô tình xâm nhập vào không phận Romani trong khi truy tìm các vị trí của Ukraine. Theo báo cáo của Romani, chiếc máy bay không người lái này đã bay lơ lửng trên không phận Romani trong hơn 30 phút. Cuộc xâm nhập xảy ra vào đêm 7-8/9, với sự tham gia của máy bay không người lái Shahed của Nga, còn được gọi là Geran-2. 

Chiếc máy bay không người lái này đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể mang theo từ 25 đến 90 kg thuốc nổ tùy thuộc vào từng mẫu. Hai máy bay F-16 của Romani đã theo dõi hành động của chiếc UAV này trong gần 2 giờ, theo tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Romani. Cuối cùng, chiếc máy bay không người lái đã rời khỏi không phận Romani và tiến vào lãnh thổ Ukraine.

Máy bay F-16 của Romani.

Máy bay F-16 của Romani.

Những vụ xâm phạm không phận Romani

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Romani đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng sẽ có những chiếc máy bay không người lái khác của Nga, xâm nhập vào không phận quốc gia này trong thời gian tới. Theo thông cáo báo chí của Romani, đang tồn tại một vùng dễ va chạm trong không phận Romani, cụ thể là ở một khu vực không có người ở gần Periprava. Thị trấn này nằm dọc theo Sông Danube, chỉ cách Sulina 30 km về phía tây bắc và gần biên giới Ukraine. 

Những nỗ lực của giới truyền thông Romani nhằm có được phản hồi từ Bộ Nội vụ Nga cho đến nay vẫn chưa thành công. Theo các chuyên gia Bulgarian Military, nếu không có tuyên bố chính thức từ Nga về vụ vi phạm không phận này, thì chỉ còn cách suy đoán về động cơ thực sự của Moskva.

Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, bầu trời Romani ngày càng trở thành điểm trung chuyển cho vũ khí của Nga, đặc biệt là các máy bay không người lái. Vụ vi phạm đầu tiên được xác nhận xảy ra vào ngày 10/2/2023, khi một tên lửa của Nga bay qua không phận Romani trong một thời gian ngắn, trong một cuộc tấn công vào Ukraine. 

Tên lửa này được cho là đã bay qua lãnh thổ Romani trước khi quay trở lại không phận Ukraine, khiến NATO phải giám sát chặt chẽ. Mặc dù sự cố này làm dấy lên lo ngại về khả năng leo thang xung đột, nhưng nó không phải là một cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào Romani

Bắt đầu từ khoảng giữa năm 2023, những sự cố này đã trở nên thường xuyên hơn. Vào ngày 25/7, ba máy bay không người lái Shahed của Nga đã xâm nhập không phận Romani, trong một cuộc đột kích ban đêm nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine ở khu vực Odessa.

Điều này đã gây ra một số lo ngại cho người dân địa phương, mặc dù chính quyền Romani đã nhanh chóng đảm bảo với công chúng rằng, máy bay không người lái Nga không nhắm vào lãnh thổ Romani. 

Phản ứng của NATO

Việc các loại vũ khí của Nga như tên lửa và máy bay không người lái bay vào không phận Romani hoặc NATO là điều đáng lo ngại, nhưng nó khó có thể gây ra xung đột lớn giữa NATO và Nga, miễn là không có cuộc tấn công có chủ đích nào xảy ra. 

Theo các nguyên tắc của NATO, một cuộc xâm nhập như vậy sẽ không thể kích hoạt Điều 5 của NATO, điều luật này ràng buộc các quốc gia thành viên phải bảo vệ lẫn nhau.

Phản ứng của NATO đối với các chuyến bay này là tăng cường giám sát và tuần tra trên không ở Romani và các quốc gia lân cận. Điều này được thực hiện để đảm bảo mọi mối đe dọa tiềm tàng đều được ngăn chặn kịp thời. Các nhà lãnh đạo NATO đã nhấn mạnh rằng, mặc dù các chuyến bay này có rủi ro, nhưng chúng vẫn chưa được coi là hành động khiêu khích cố ý. Tổng thư ký Jens Stoltenberg chỉ ra rằng, những sự cố này đang được theo dõi cẩn thận, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy Nga cố tình nhắm vào các thành viên NATO. 

Trong những tình huống như vậy, ngoại giao và nỗ lực hạ nhiệt là ưu tiên hàng đầu. Nếu những vi phạm này tiếp tục hoặc trở nên tồi tệ hơn, nó có thể buộc NATO vào thế phòng thủ.

Tuy nhiên, miễn là không có cuộc tấn công trực tiếp nào vào đất liền Romani hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng, thì một cuộc xung đột quy mô lớn là có thể tránh được. Cả NATO và Nga đều hiểu hậu quả nghiêm trọng của một cuộc đối đầu trực tiếp. Cho đến nay, họ đã quản lý những tình huống này thông qua các kênh ngoại giao và các động thái quân sự thận trọng.

UAV Shahed-136 của Nga.

UAV Shahed-136 của Nga.

UAV Shahed-136

Shahed-136, được Nga gọi là Geran-2, là một loại vũ khí tấn công do Iran sản xuất, còn được gọi là máy bay không người lái cảm tử. Nó đã được sử dụng rộng rãi trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Với thiết kế cánh tam giác độc đáo, chiếc UAV này có sải cánh khoảng 2,5 mét và chiều dài khoảng 3,5 mét.

Shahed-136sử dụng một động cơ nhỏ để dẫn động cánh quạt gắn phía sau, cho phép nó bay với tốc độ khoảng 185 km/h, với phạm vi hoạt động từ 1.800 đến 2.500 km. Vì vậy mà chiếc UAV này cực kỳ hiệu quả cho các cuộc tấn công tầm xa. Nó thường mang theo một đầu đạn nổ mạnh nặng khoảng 40 kg, được thiết kế để gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng hoặc phương tiện khi va chạm. 

Về mặt công nghệ, Shahed/Geran-2 khá đơn giản khi so với máy bay không người lái quân sự tiên tiến. Nó thiếu hệ thống dẫn đường tinh vi hoặc khả năng tàng hình, chỉ phụ thuộc vào hướng dẫn GPS để nhắm mục tiêu. Tuy nhiên, tính đơn giản của Shahed-136 khiến nó tiết kiệm chi phí sản xuất và hiệu quả khi sử dụng theo kiểu bầy đàn. 

Nhờ chi phí sản xuất thấp, Shahed-136 có thể được triển khai hàng loạt, đây là một chiến lược quan trọng để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine. Mặc dù có cấu tạo đơn giản, nhưng hiệu quả thực sự của nó đến từ khả năng bay lảng vảng tìm kiếm mục tiêu và khó bị phát hiện, sau đó tấn công các mục tiêu quân sự và dân sự với độ chính xác ấn tượng. 

Lê Hưng(Nguồn: Bulgarian Military)
Bình luận
vtcnews.vn