Chiều 19/9, Bộ Y tế đã họp lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Nghị định 38 hướng dẫn chi tiết một số điều của luật An toàn thực phẩm. Trong đó, nội dung nhận được nhiều ý kiến trái chiều là có nên bỏ quy định công bố chất lượng sản phẩm (tiền kiểm).
Sau quá trình bàn thảo, Bộ Y tế và các doanh nghiệp đã đi đến thống nhất chung trong việc sửa đổi bổ sung Nghị định 38 về quản lý an toàn thực phẩm. Theo đó, hai nhóm sản phẩm được đưa ra trong cuộc đối thoại là nhóm rủi ro ít và nhóm có nguy cơ cao cho cộng đồng.
Trong đó, nhóm rủi ro ít là các sản phẩm chế biến đóng gói sẵn, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
Những sản phẩm trong nhóm này, doanh nghiệp tự công bố, bao gồm cả công bố hợp quy (đối với sản phẩm đã có quy chuẩn) và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn) và nộp bản tự công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (cơ quan tiếp nhận là Sở Y tế).
Sau 7 ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ nếu cơ quan chức năng không có ý kiến bằng văn bản thì doanh nghiệp được quyền sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo những nội dung đã công bố.
Trường hợp hồ sơ không đúng quy định, cơ quan quản lý nhà nước có văn bản yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi bổ sung. Đồng thời, doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất, kinh doanh thực phẩm đúng với nội dung mà cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Sau 60 ngày làm việc kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ hủy hồ sở công bố sản phẩm.
Nhóm thứ 2, có nguy cơ cao bao đến cộng đồng gồm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và các thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe (như: các sản phẩm sữa công thức trẻ em) thì nhất thiết phải được quản lý chặt chẽ và kiểm định chất lượng trước khi lưu thông.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ trực tiếp nộp hồ sơ công bố đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Thời hạn thẩm xét hồ sơ của cơ quan chức năng là 30 ngày và các nội dung ghi nhãn của sản phẩm phù hợp với quy định của pháp luật về ghi nhãn dán hàng hóa và có công văn đồng ý hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ và các nội dung ghi nhãn của sản phẩm để sản phẩm được phép lưu thông trên thị trường.
Trường hợp yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ thì sau 10 ngày làm việc kể từ khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời.
Để cụ thể và hoàn thiện Nghị định 38 sửa đồi về luật an toàn thực phẩm, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các hiệp hội sản xuất, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối… đã đóng góp những ý kiến cụ thể với từng hạng mục để doanh nghiệp công bố sản phẩm ra thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam đề xuất: Trong phần mở đầu của Nghị định 38 cần phải quy định rõ trách nhiệm mọi tổ chức cá nhân sản xuất và lưu thông thực phẩm cần có tài liệu chứng minh sản phẩm an toàn.
Các nhà phân phối lo ngại khi sản phẩm không có xác nhận chất lượng từ cơ quan chức năng sẽ khó được tiêu thụ. Bà Vũ Thị Hâu, Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho rằng: “Việc phân loại những sản phẩm về nguồn gốc, mức độ an toàn và bộ chứng từ của sản phẩm đưa cho doanh nghiệp có độ tin cậy hay không để đưa sản phẩm vào hệ thống bán lẻ trên kênh siêu thị của chúng tôi. Do vậy, nếu như bỏ tất cả các sản phẩm công bố thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp”.
Tại cuộc đối thoại, các doanh nghiệp tiếp tục đề nghị rút ngắn thời gian cấp phép và phản hồi nhanh để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp từ phía các doanh nghiệp, hiệp hội... tham gia đối thoại sửa đổi bổ dung Nghị định 38, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ y tế cho biết: “Đây là một chủ trương đúng đắn và bắt buộc phải làm, thực hiện nghiêm túc, nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dung, cân đối hài hòa giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nhận hồ sơ và bản xác nhận, công bố các quy định phù hợp về an toàn thực phẩm của doanh nghiệp để giám sát doanh nghiệp hoạt động đúng với hồ sơ công bố, tránh trường hợp đăng ký một đằng làm lại một nẻo.
Trên cơ sở căn cứ về hồ sơ công bố của doanh nghiệp các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng hơn trong quản lý hậu kiểm đối với hoạt động của doanh nghiệp”.
Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hôi, các quan nhà nước liên quan trong cuộc đối thoại chiều 19/9, có thể rút ra những điểm mới trong Nghị định 38 về an toàn thực phẩm:
Doanh nghiệp tự công bố mà không cần chờ giấy tiếp nhận công bố của cơ quan tiếp nhận. Bỏ bớt các thành phần hồ sơ như: kế hoạch giám sát định kỳ; mẫu sản phẩm hoàn chỉnh đối với sản phẩm lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam.
Bỏ hình thức cấp lại nếu không có bất kỳ sự thay đổi nào, phân cấp triệt để cho địa phương (Sở y tế tiếp nhận hồ sơ công bố đối với sản phẩm đã qua chế biến bao gói, dụng cụ, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn kể cả sản phẩm nhập khẩu).
Bình luận