Hướng tới mục tiêu giúp người dân nâng cao ý thức phân loại rác, WWF - Việt Nam phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An triển khai chiến dịch truyền thông đầy ý nghĩa.
Bảo vệ môi trường hôm nay
Chiến dịch truyền thông này được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) tổ chức trên địa bàn thành phố Tân An (Long An) thông qua các chất liệu văn hóa dân gian vừa mới mẻ, vừa thân thuộc, gần gũi. Các hoạt động thú vị trong chiến dịch này có thể kể đến như: xuất bản các bức tranh cổ động ấn tượng, “tái chế” ca dao tục ngữ độc đáo và sáng tác bài nhạc Rap sôi động.
Những bức tranh cổ động của WWF - Việt Nam mang phong cách thân thuộc, gần gũi nhưng không kém phần sống động, dễ tiếp cận giúp khơi dậy tinh thần bảo vệ môi trường, nhắc nhở người dân có ý thức trong việc phân loại rác thải.
Trong khi đó, thông điệp về phân loại rác tại nguồn để bảo vệ môi trường được lan tỏa rộng rãi nhờ việc làm mới những câu ca dao tục ngữ.
Người dân tại Long An đã cùng nhau sáng tạo, lồng ghép và gửi gắm thông điệp ý nghĩa trong mỗi câu ca dao tục ngữ quen mà lạ, lạ mà quen như: “Ai ơi thương lấy môi trường /Nhớ phân loại rác, đẹp đường Tân An” và “Nếu được phân loại rõ ràng /Hữu cơ, tái chế là vàng trong tay/Chung sức phân loại hôm nay/Tương lai con cháu sau này vinh hoa”...
Ngoài ra, chiến dịch này còn mang đến một ca khúc nhạc Rap mang tên “Phân loại vì nhân loại” với phong cách trẻ trung, sôi động. Bài hát là sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu ca dao truyền thống và giai điệu hiện đại, giúp cho thông điệp dễ dàng được công chúng đón nhận.
Cách tiếp cận đầy mới mẻ này đã giúp chiến dịch truyền thông về phân loại rác tại nguồn của WWF - Việt Nam nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân tại Long An, đặc biệt là bộ phận người tiêu dùng trẻ.
Đây không phải là chiến dịch bảo vệ môi trường đầu tiên mà WWF - Việt Nam và chính quyền tỉnh Long An phối hợp thực hiện. Từ tháng 7/2020, WWF - Việt Nam đã triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn tại phường 3, Thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Sau 1 năm thí điểm, mô hình phân loại rác của WWF - Việt Nam đã thể hiện tính khả thi và hiệu quả cao. Hiện tại, tỉnh Long An đã chấp thuận duy trì mô hình này ở Phường 3 cũng như có kế hoạch mở rộng mô hình ra toàn TP. Tân An và các huyện, thị xã khác.
Vì cuộc sống tươi đẹp ngày mai
Chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức của người dân về việc phân loại rác tại nguồn của WWF - Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và thiết thực trong bối cảnh ô nhiễm môi trường trầm trọng như hiện nay.
Ô nhiễm môi trường có thể gây nên bảy loại bệnh nguy hiểm ở người bao gồm: bệnh ung thư, bệnh hệ tuần hoàn, bệnh hệ thần kinh, ngộ độc, bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh trùng, bệnh hệ tiêu hóa, bệnh hô hấp.
Đặc biệt, theo số liệu ước tính trong năm 2020, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom được trên địa bàn tỉnh Long An có khoảng 570 - 590 tấn/ngày. Riêng TP. Tân An thu gom được khoảng 130 – 150 tấn rác thải mỗi ngày.
Rác không được phân loại và xử lý đúng cách khi được thải trực tiếp ra ao, hồ, sông, biển sẽ gây ô nhiễm môi trường nước, làm hại thủy sinh. Rác thải của con người đã trực tiếp gây hại cho hơn 800 loài sinh vật, đẩy 15 loài đến nguy cơ tuyệt chủng, giết chết hàng trăm, hàng ngàn sinh vật mỗi năm vì ăn phải, bị mắc kẹt trong rác nhựa, bị thương,… Trong đó, có tới 60 - 90% rác thải có nguồn gốc từ nhựa – chất liệu cần đến 500-1000 năm để phân hủy.
Chưa dừng lại ở đó, các hạt vi nhựa từ rác thải nhựa với kích thước nhỏ, khó nhận ra đã có mặt ở hầu hết các đại dương, tồn tại trong cơ thể thủy hải sản. Và con người sẽ hấp thụ lại khối lượng hạt vi nhựa này thông qua việc ăn uống. Hạt vi nhựa có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người. Ước tính trung bình người lớn ăn khoảng 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm, còn trẻ em là 40.000.
Tiến sỹ Trịnh Thị Long, Quản lý dự án WWF-Việt Nam chia sẻ: “WWF - Việt Nam hy vọng chiến dịch này sẽ giúp người dân Long An nâng cao nhận thức về phân loại và xử lý rác thải, từ đó chung tay bảo vệ môi trường sống và chống biến đổi khí hậu. Mỗi cá nhân nên tự giác thực hiện hành động nhỏ bé này để góp sức tạo nên những điều lớn lao, vì chính sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội”.
Bình luận