Phần Lan, đang nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự phương Tây NATO, có lịch sử chiến sự với Nga. Hiện tại khu vực biên giới 1.300 km có rừng cây giữa hai nước được đánh dấu chủ yếu bằng các biển báo và đường nhựa.
Chính phủ Phần Lan đã gấp rút tăng cường an ninh biên giới vì lo ngại Nga có thể cố gắng gây áp lực lên nước này bằng cách đưa những người xin tị nạn đến biên giới. Năm ngoái, Liên minh châu Âu từng cáo buộc Belarus đưa hàng trăm người di cư từ Trung Đông, Afghanistan và châu Phi tới biên giới Ba Lan.
Các sửa đổi luật của Phần Lan bao gồm một đề xuất cho phép chỉ tập trung tiếp nhận các đơn xin tị nạn tại các điểm nhập cảnh cụ thể. Theo quy định hiện hành của EU, người di cư có quyền xin tị nạn tại bất kỳ điểm nhập cảnh nhất định nào của một quốc gia thành viên EU.
Các sửa đổi cũng sẽ cho phép xây dựng hàng rào, cũng như các con đường mới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra biên giới ở phía Phần Lan.
Bộ trưởng Nội vụ Phần Lan Krista Mikkonen cho biết: "Sau đó, chính phủ sẽ quyết định về các rào chắn biên giới ở các khu vực xung yếu phía Đông, trên cơ sở đánh giá của Lực lượng Biên phòng Phần Lan".
Việc xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển gặp không ít "chông gai" khi đối mặt với sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ. Mới đây, Ankara đã nêu ra một loạt yêu cầu để có thể ủng hộ hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO, trong đó chủ yếu liên quan đến chống khủng bố.
Theo Tổng thư ký Jens Stoltenberg, NATO khó lòng chấp nhận tư cách ứng viên của Phần Lan và Thụy Điển tại hội nghị thượng đỉnh của khối này vào ngày 28-30/6 ở Tây Ban Nha khi các quốc gia chưa đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đứng đầu NATO thừa nhận lập trường của Ankara trong việc phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối, đồng thời kêu gọi các bên cần quan tâm thảo luận và giải quyết các yêu cầu của Ankara.
Một số thành viên NATO khác đã cam kết hỗ trợ về an ninh cho Phần Lan và Thụy Điển trong quá trình họ xin gia nhập tổ chức. Hôm 5/6, NATO khởi động cuộc tập trận hải quân có tên gọi BALTOPS 22, kéo dài gần 2 tuần (từ 5-17/6) do Mỹ dẫn đầu trên biển Baltic. Cuộc tập trận có sự tham dự của hơn 7.000 thủy thủ, không quân và lính thủy đánh bộ, và 45 tàu, 75 máy bay chiến đấu từ 16 quốc gia.
Bình luận