• Zalo

Phận buồn của giám đốc cùng bảo tàng bảo vật vương quốc Chăm

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 29/12/2014 05:55:00 +07:00Google News

Một đại gia đồ cổ vốn ăn chơi hào sảng, giờ sống một mình trên một mỏm núi ven biển, cùng với duy nhất một con gà.

(VTC News) - Một đại gia đồ cổ vốn ăn chơi hào sảng, giờ sống một mình trên một mỏm núi ven biển, cùng với duy nhất một con gà.


Kỳ 1: Đại gia đồ cổ bỗng thành tứ cố vô thân

Lần nào vào công tác ở Bình Định, nơi đầu tiên tôi ghé qua, là số nhà 173 Lê Hồng Phong, giữa trung tâm TP. Quy Nhơn (Bình Định). Xưa kia, ở đó có nhà bảo tàng trưng bày gốm cổ Chăm Pa chứa ngập cổ vật.

Không chỉ tôi, mà giới phóng viên đều tìm đến Nguyễn Vĩnh Hảo, bởi đó là con người hào sảng, cởi mở và hiểu biết về văn hóa Chăm, cổ vật Chăm một cách tường tận.

Chẳng chuyện gì ở cái đất đế đô Vương triều Vijaya kia mà Nguyễn Vĩnh Hảo không biết và nói một cách say mê. Những cổ vật vàng ròng, những câu chuyện ly kỳ quanh những món cổ vật luôn thu hút cánh nhà báo.

Thế nhưng, lần này, vào Quy Nhơn, tôi bàng hoàng khi không thấy bảo tàng đẹp đẽ, trưng bày những cổ vật cực quý, khiến giới sưu tầm cổ vật thế giới phải thèm muốn đâu cả. Thay vào đó là tòa nhà cao tầng nhất nhì đất Bình Định, thuộc dự án Ngân hàng ACB.

Số điện thoại không liên lạc được. Tôi hỏi người đàn bà bán cơm ở phía đối diện, bà bảo, người ta đã nhẫn tâm phá cái bảo tàng còn mới mẻ tinh tươm, với khách ra vào miễn phí nườm nượp ấy và xây cái ngân hàng này được hai năm rồi.
Nơi từng là Bảo tàng Gò Sành, giờ là Dự án Ngân hàngg ACB 

Sống với con gà

Đại gia đồ cổ Nguyễn Vĩnh Hảo, mà người Bình Định thường nhắc đến như một đại gia khét tiếng, một nhân vật bí ẩn, có chút hơi hướng huyền thoại, giờ như kẻ hành khất, không nhà, không cửa, không cổ vật, sống lang thang nay đây mai đó.

Bà chủ quán cơm bấm điện thoại hỏi thăm mấy lượt, thì tìm ra nơi trú ngụ của ông chủ Bảo tàng Gò Sành, sở hữu lượng gốm thuộc Vương triều Vijaya lớn nhất thế giới, đó là khu resort nhỏ thuộc địa bàn tỉnh Phú Yên, cách Quy Nhơn khoảng 20km.

Chạy xe dọc Quốc lộ 1, đoạn đường có cảnh quan ven biển tuyệt đẹp một lát, thì đến khúc cua như bà bán cơm mô tả. Đó là một quả núi nhô ra biển, có tên là núi Bàng Than, thuộc xã Xuân Hải (Sông Cầu, Phú Yên).

Quả núi ấy vốn như đầu con rùa khổng lồ đang cố bò ra biển. Chỗ này vốn là vùng đất sơn cùng thủy tận trong con mắt của người Phú Yên. Cái “đầu rùa” đã được bạt đi để mở Quốc lộ 1 theo hướng vòng sát ven biển.

Mỏm núi chênh vênh bên bãi biển sâu hoắm có những tòa ngang dãy dọc, nhưng đổ nát, hoang vắng. Có dãy nhà đã bị phá dỡ, có dãy bị bão gió quật tung mái, bay cửa, có dãy khóa cửa đã lâu, đến nỗi khóa cũng đã hoen rỉ.
Khu resort bỏ hoang, đổ nát - nơi Nguyễn Vĩnh Hảo ẩn thân 
Ngay lề Quốc lộ 1, cạnh resort mini ấy, có một người đàn ông đang nha nhẩn dùng mũi dao nhọn đào những cây nhỏ mọc lan mặt đất. Anh bảo, là người trong làng, nhổ thảo dược về làm thuốc.

Anh kể rằng, bản thân anh, dù sống ở đây từ bé, cũng không dám vào khu resort ấy, chỉ dám loanh quanh ở ngoài, bởi theo anh, khu resort có... “ma”. Người dân trong vùng cũng sợ.

Đã có tổng cộng 3 đời chủ ở khu resort này, nhưng đều không ở được, phải bỏ đi.

Thế nhưng, có một người đàn ông ở Quy Nhơn, tóc xõa ngang lưng, sống ở khu resort bỏ hoang này cùng với một con gà đã 2 năm nay.

Thi thoảng người ta mới thấy ông cưỡi chiếc xe Vespa mấy chục năm tuổi nổ phành phạch về hướng Quy Nhơn. Rồi trước khi chiều xuống, lại thấy ông về.
Ông giám đốc bảo tàng cổ vật Chăm giờ sống một mình với con gà ở khu resort bỏ hoang 
Nhiều người lạ, đi qua đường, ghé vào resort, thấy người đàn ông tóc xõa ngang lưng, mặc áo nâu sồng, khuôn mặt có nét giống… người xưa, ngồi khoanh chân bất động nhìn ra biển hàng giờ liền, giữa khu nhà hoang tàn đổ nát, thì bỗng dựng tóc gáy, bỏ chạy.

Gặp tôi, ông chủ Bảo tàng Gò sành – Vijaya – Chăm Pa rất ngạc nhiên. Nguyễn Vĩnh Hảo bảo, anh tạm ẩn thân ở mảnh đất này, không ngờ tôi vẫn tìm được.

Tôi quả thực kinh ngạc, khi một võ sư nổi danh đất Bình Định, một huấn luyện viên đội tuyển võ thuật quốc gia, một ông chủ bảo tàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam, một đại gia đồ cổ vốn ăn chơi hào sảng, giờ lại sống một mình, trên một mỏm núi ven biển, cùng với duy nhất một con gà.

Trò chuyện về ma Hời, thứ ma mà anh kể, đã theo anh bao năm nay, có cả ngày cũng không hết. Bỏ qua câu chuyện về ma quỷ, cuộc đời anh cũng trớ trêu và ma quái chẳng kém gì thứ ma quỷ vô hình.

Bom Mỹ phát lộ một… vương triều

Nguyễn Vĩnh Hảo sinh ra trong một gia đình danh giá ở đất Bình Định. Cha mẹ anh là người huyện Phù Mỹ. Quê anh có nghề làm gốm gia truyền. Nghề làm gốm ấy do cha ông truyền lại, đời nọ nối tiếp đời kia làm, chỉ biết là đã rất lâu đời.

Năm 1954, cha anh, ông Nguyễn Hượt, xây dựng một xưởng gốm lớn. Ông sản xuất dòng gốm mỹ nghệ tráng men kỹ thuật cao, kế thừa kỹ thuật làm men truyền thống và lửa nung từ dầu diezen.

Với công nghệ hiện đại thời đó, cùng bàn tay nghệ nhân điêu luyện, ông Nguyễn Hượt đã tạo ra dòng gốm tráng men chất lượng hàng đầu châu Á thời bấy giờ.
Bảo tàng Gò Sành đẹp đẽ đã bị phá 
Thứ gốm ông sản xuất được đưa xuống tàu chuyển đi khắp thế giới, kể cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Trung Quốc.

Đến năm 1964, chiến tranh khốc liệt, ông Nguyễn Hượt phải bỏ lại xưởng gốm, đưa vợ con lên núi trú ngụ. Sau đó, ông về với cách mạng, vào Ban An ninh của tỉnh Bình Định.

Năm 1970, một loạt bom Mỹ rơi xuống khu lò sành cổ ở xóm có tên Gò Sành, thuộc huyện An Nhơn (Bình Định), làm phát lộ ra nhiều hiện vật cổ.

Ông Nguyễn Hượt đã vào Sài Gòn tổ chức cuộc họp, gồm các nhà khoa học, các nhà báo và công bố phát hiện của mình về một dòng gốm tráng men độc đáo, chưa từng được biết đến.
Gốm Chăm trưng bày trong bảo tàng của Nguyễn Vĩnh Hảo 
Từ trước đến nay, thế giới chỉ biết đến dòng gốm men ngọc của người Tàu, chứ không nghĩ Việt Nam làm được. Ngay cả các nhà khoa học Việt cũng không biết. Thế nhưng, thật không ngờ, người Chăm ở Bình Định đã sản xuất được gốm tráng men ngọc từ rất lâu đời.

Cũng chính từ phát hiện này của ông Nguyễn Hượt, mà các nhà khoa học khắp thế giới vào cuộc, khai quật, tìm hiểu và phát hiện ra một nền văn hóa gò sành đặc biệt, xây dựng lại dữ liệu về Vương triều Vijaya cực kỳ rực rỡ của người Chăm, mà trung tâm vương quốc đặt tại đất Bình Định.

Trung tâm của đế đô Vijaya chính là vùng An Nhơn, Bình Định bây giờ, nơi có những lò gốm cổ, được bom Mỹ “khai quật” ra.

Nhà nghiên cứu, đạo diễn điện ảnh lừng danh Hà Thúc Cần, là bạn thân của ông Nguyễn Hượt, đã mượn mấy bộ sưu tập của ông Hượt, sử dụng những tư liệu của ông Nguyễn Hượt, giới thiệu cho cả thế giới biết về gốm chăm.
Cổ vật đất nung Chăm rất quý trong Bảo tàng Gò Sành 
Đến năm 1978, Viện Khảo cổ mới vào cuộc mạnh mẽ, và đã phối hợp với các nhà khoa học của Mỹ, Nhật, Bỉ tiến hành 5 cuộc thám sát, đào bới trên quy mô rộng.

Tuy nhiên, trước đó, giới săn lùng cổ vật đã đào bới ráo riết, nên các cuộc thám sát sau này thu được hiện vật khá nghèo nàn.

Nhưng, đến lúc này, các nhà khoa học Việt Nam mới ngỡ ngàng nhận ra rằng, người Thái Lan, Mã Lai, Philipines… rất chuộng gốm Gò Sành và họ đã sử dụng loại gốm này từ nhiều trăm năm qua.

Mặc dù là nhà buôn, nhà sưu tầm cổ vật Chăm rất lớn, nhưng chiến tranh loạn lạc, chuyển nhà nhiều lần, lại bị cướp bóc, nên sau giải phóng, ông Nguyễn Hượt còn giữ được rất ít cổ vật.

Chỉ còn 100 món đồ quý nhất, do ông Hà Thúc Cần mượn đem đi triển lãm, là có giá trị nhất. Sau khi tổ chức trưng bày ở Singapore, ông Hà Thúc Cần đã mang trả cho anh Nguyễn Vĩnh Hảo.

Video cổ vật trong tàu đắm ở Quảng Ngãi

Còn tiếp…


Phạm Ngọc Dương
Bình luận
vtcnews.vn