• Zalo

Phân biệt gà thải nhập lậu với gà thường thế nào?

Sức khỏeThứ Năm, 15/11/2012 12:33:00 +07:00Google News

(VTC News) – Gà nhập lậu thường là gà già, bị cho ăn thuốc kích đẻ. Vì vậy, cần chọn gà lông mượt, hậu môn chặt, da chân không mốc, mào nhọn, sắc.

(VTC News) – Gà nhập lậu thường là gà già, bị cho ăn thuốc kích đẻ, kháng sinh nên trong thịt tồn dư nhiều hóa chất. Vì vậy, cần chọn gà lông mượt, hậu môn chặt, da chân không mốc, mào nhọn, sắc.

Gà nhập lậu tồn dư Sulfadiazin cao gấp 5-20 lần mức cho phép

Vấn đề gà nhập lậu qua biên giới Việt Nam được nhiều người quan tâm. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày 14/11, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: Đề nghị nhân dân, các đại biểu Quốc hội gương mẫu không ăn gà nhập lậu. Ăn phải gà lậu sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.

Gà lậu được mua v thịt sẵn bán tại các chợ với giá 50 - 70 ngàn đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Tâm
“Chúng tôi đã bàn và Chính phủ đang xây dựng một đề án và từ nay đến hết năm 2013 tập trung để ngăn chặn cơ bản gà nhập lậu vào nước ta và Hà Nội là địa phương đi đầu trong lĩnh vực này. Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo TP. Hà Nội và thống nhất trong vòng 1 năm, cơ bản người dân Hà Nội không phải ăn gà nhập lậu.

Phó thủ tướng cũng cho biết: trước mắt chọn con gà để làm và rút kinh nghiệm, sau đó sẽ mở rộng sang heo, hoa quả...

Trước đó, trong một cuộc hội thảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, lãnh đạo Cục quản lý thị trường đã nói về khó khăn trong việc xử lý những xe chở gà lậu. Vị này cho biết, hiện có 11 đường dây có tổ chức vận gà chuyển gà lậu từ các tuyến biên giới phía bắc đưa vào Hà Nội tiêu thụ.

Trong đó, Quảng Ninh 3 đường dây, Bắc Ninh 2, Hải Dương 1, Thái Bình 1, Hà Nam 1, Bắc Giang 2, Lào Cai 1. Các đối tượng vận chuyển rất chuyên nghiệp, có tổ chức.

Ông Đào Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, đối tượng vận chuyển các mặt hàng này thường thay đổi phương tiện và phương thức vận chuyển nên việc kiểm soát hết sức khó khăn.

Vừa qua, Cục Quản lý thị trường cũng tập trung kiểm tra gà nhập lậu ở chợ Hà Vĩ (Hà Nội). Từ chỗ buôn bán hàng chục tấn gà mỗi ngày, lượng gà bán ở chợ này giảm xuống hẳn và hầu như chỉ còn bán gà trong nước. Thế nhưng ngay sau đó, “khi lực lượng chức năng rút đi thì việc kinh doanh gà nhập lậu nhanh chóng tái lập.”

Lý do gà thải được ồ ạt nhập vào Việt Nam vì giá khá rẻ. Ở biên giới giá chỉ có 15.000 đồng/kg, về đến Móng Cái (Quảng Ninh) có giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg và khi về đến các chợ giá lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg.

Qua kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các mẫu gà nhập lậu cho thấy, số mẫu có dư lượng thuốc kháng sinh quá giới hạn cho phép chiếm tới 20%. Vì vậy, loại gà này không an toàn nên các nước khuyến cáo người dân không ăn.

Theo Chi cục Thú y Hà Nội, cơ quan này vừa tổ chức kiểm tra, lấy 5 mẫu thịt gà thải loại để kiểm tra dư lượng các chất kháng sinh và hóa chất cấm có thể tồn tại trên thịt gia cầm nhập lậu.

Kết quả, 100% số mẫu được kiểm tra đều có tồn dư chất Sulfadiazin với mức cao gấp 5-20 lần mức cho phép. Trong đó, mẫu thấp nhất có hàm lượng 42,21 µg/kg, cao nhất là 114,92 µg/kg.

Chất Sulfadiazin là một loại kháng sinh cấm sử dụng, vì tồn dư của Sulfadiazin ở mức cao khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng thận, làm suy thận.

Chi cục Thú y Hà Nội cũng lấy 480 mẫu gia cầm tại chợ Hà Vĩ để xét nghiệm virus cúm gia cầm. Kết quả có 44 mẫu dương tính với virus cúm A và 3 mẫu dương tính với virus cúm A/H5N1100% số mẫu gà thải loại nhập lậu tại Hà Nội được kiểm tra đều có tồn dư chất Sulfadiazin với mức cao gấp 5-20 lần mức cho phép.

Phân biệt gà lậu thế nào?

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo cục Thú y khẩn trương kiểm tra, phân tích các tồn dư trong mặt hàng gà thải loại để có cơ sở khoa học trong việc đưa ra quyết định có nhập khẩu mặt hàng này hay không, nhằm bảo vệ người tiêu dùng và bảo hộ sản xuất trong nước.

Gà lậu tuồn qua đường biên giới Lạng Sơn. Ảnh: Dân Việt 
Tuy nhiên, đợi đến khi cơ quan nhà nước có biện pháp quản chặt việc nhập lậu gà thì cần một thời gian nữa. Trong khi đó, đây là thực phẩm vẫn được dùng hàng ngày của người dân.

Trao đổi với phóng viên VTC News, ông Nguyễn Quý Thạch, bác sĩ thú y, người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm cho biết: Bình thường gà nuôi được khoảng 5 đế 6 tháng thì có thể đẻ trứng. Nếu cho ăn thức ăn chưa có thuốc kích đẻ trứng thì đẻ 50 – 60%. Tức đàn có 100 con thì đẻ 50 – 60 quả/ngày. Nhưng cho thuốc thì đẻ với tỉ lệ 80 – 90%.

Khi gà bắt đầu đến giai đoạn đẻ trứng sẽ được người nuôi cho ăn thức ăn trộn thuốc theo tỉ lệ nhất định. Nếu đàn gà tốt, có thể để đẻ liên tục 1 năm, nếu không chỉ nửa năm.

Theo ông Thạch, trong quá trình nuôi, người nuôi còn cho gà uống kháng sinh Sulfamid giúp gà dự phòng và chống được bệnh tật.

Kháng sinh này phổ rộng nên dự phòng và chữa nhiều bệnh như tụ huyết trùng, hen suyễn của gà…

Điều nguy hiểm là khi gà đó được bán ra thì dù trong thịt vẫn có dinh ỡng nhưng có chất độc, chất dẫn độc, kháng sinh. Ăn vào thì người cũng quen thuốc, vi khuẩn quen thuốc. Khi bị bệnh cấp, dùng kháng sinh chữa sẽ khó khỏi.

Trong gà có chất kích độc, khi ăn gà sẽ ăn luôn chất này và nguy cơ bị ung thư.

Bác sĩ thú y Nguyễn Quý Thạch tư vấn cho chị em nhận biết gà nhập lậu, thường là gà đã qua đẻ nhiều cần dựa vào những yếu tố sau:

Gà càng đẻ nhiều thì càng béo, nhiều thịt nạc, lông rụng, không mượt, cựa dài, hậu môn to. Đặc biệt mào ngả sang bên, chân khô, mốc. Vì gà đẻ hay mổ nhau nên người nuôi thường cắt bớt mỏ. Vì vậy, gà đẻ nhiều có mỏ ngắn, không nhọn, quặp.

Nếu muốn biết gà đó có kháng sinh hay không, nhìn mắt thường khó biết, chỉ có thể lấy máu, lấy mẫu thịt có thể phân tích ra.

Để chọn gà ngon, theo ông Thạch, là những con gà nuôi tầm 4 tháng, lông mượt, mọc đều, mào vừa tầm, dựng, chân mượt, cựa nhỏ, không dài, hậu môn chặt. Khi chọn gà, nên đứng xa rồi mới lại gần. Vì nhìn từ xa, thấy gà mở mắt, mắt sáng thường là gà khỏe.

Lại gần, người bán gà khua tay hoặc rung lồng thì gà sẽ mở mắt.

Khi lại gần, sờ diều gà không quá no, quá đói, phân gà như con ốc, mào phải đỏ, dựng, ngực chắc, không có tiếng khò khè. Lông gà càng vàng, càng sáng thì da vàng và là gà ngon.

Chị em chú ý, nếu có điều kiện, nên nhốt gà trước khi ăn vài hôm và cho ăn gạo, thóc của gia đình, vì nếu gà đó có cho thuốc kháng sinh thì thuốc sẽ được thải ra ngoài sẽ bớt độc.





Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn