• Zalo

"Phải đảm bảo hòa bình, ổn định trên biển Đông"

Thế giớiThứ Hai, 02/07/2012 08:32:00 +07:00Google News

Tài liệu của ASEAN về các thành tố chính của COC nêu trên sẽ là cơ sở để ASEAN trao đổi quan điểm của mình với Trung Quốc.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh vừa trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả cuộc họp tại Hà Nội trong tuần qua giữa các quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN) đối với việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).


 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời báo chí quốc tế sau một cuộc họp quan chức cấp cao ASEAN+3 ở Indonesia - Ảnh: AFP

Xin thứ trưởng cho biết vì sao lại cần COC?

- Biển Đông là khu vực rất quan trọng về địa chiến lược, an ninh và kinh tế, có các tuyến hàng hải chiến lược, huyết mạch đối với khu vực và thế giới. Trong khi đó, biển Đông cũng đang tồn tại những tranh chấp phức tạp về chủ quyền lãnh thổ.

Cần phải ngăn ngừa không để tranh chấp leo thang và bảo đảm được hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông.


Vì mục tiêu đó, năm 2002 ASEAN và Trung Quốc đã ký kết một văn kiện hết sức quan trọng, đó là bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Mười năm qua, DOC đã thật sự tạo ra khuôn khổ quy định hành vi ứng xử của các bên, trong đó quan trọng nhất là việc các bên phải ứng xử dựa trên những nguyên tắc về tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).


Tuy nhiên, biển Đông vẫn phải chứng kiến không ít những diễn biến phức tạp, nguy cơ đe dọa đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Điều này đòi hỏi khu vực phải xây dựng một công cụ có thể bảo đảm hữu hiệu hơn các mục tiêu chung nêu trên, đó chính là COC.


Xuất phát từ mục đích này, từ tháng 11-2011 lãnh đạo các nước ASEAN quyết định tiến hành tham vấn nội bộ ASEAN về COC, làm cơ sở để sau đó trao đổi giữa ASEAN và Trung Quốc.

Triển khai quyết định này, SOM ASEAN chỉ đạo nhóm công tác của mình xây dựng tài liệu quan điểm của ASEAN về các thành tố chính cần có của COC. Nhóm công tác đã phải trải qua bảy vòng tham vấn.


Dù triển khai công việc rất khẩn trương và tích cực, nhưng phải đến cuộc họp tại Hà Nội (ngày 24 và 25-6-2012), SOM ASEAN mới có thể đạt nhất trí và hoàn tất được tài liệu nêu trên để trình các bộ trưởng ngoại giao quyết định khởi động đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc vào thời gian tới.

Với vai trò là nước điều phối, Việt Nam có những đóng góp tích cực và xây dựng suốt quá trình tham vấn trong ASEAN, đặc biệt là tại cuộc họp SOM ASEAN vừa qua ở Hà Nội, được bạn bè đánh giá cao.


ASEAN đã chủ trương như thế nào để COC có thể là một công cụ đóng góp hữu hiệu hơn cho hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông?

- Cụ thể, có thể tóm tắt quan điểm chung ASEAN về COC trong tương lai cần phải có những điểm chính như sau:

- Quy định nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, hiến chương Liên Hiệp Quốc, UNCLOS, Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), DOC...

- Quy định mục tiêu của COC là nhằm tạo ra khuôn khổ dựa trên quy định luật pháp để điều chỉnh hành vi của các bên ở biển Đông theo những nguyên tắc trên.

- Quy định về các nghĩa vụ và hành vi ứng xử của các bên ở biển Đông: Trước hết, đó là phải vì mục tiêu hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin, ngăn ngừa tranh chấp leo thang và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và công ước luật biển.

Đồng thời nhấn mạnh việc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo UNCLOS.


- Quy định cơ chế bảo đảm thực hiện COC, xây dựng các cơ chế xử lý vi phạm COC và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước luật biển, TAC.

Như vậy, cùng với việc nhấn mạnh những nguyên tắc tích cực đã có trong DOC (hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế và công ước luật biển), ASEAN mong muốn COC phải có tính cam kết và ràng buộc cao hơn DOC, phải có cơ chế giám sát và bảo đảm thực hiện, đặc biệt là bổ sung quy định nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển theo UNCLOS.

Sắp tới ASEAN sẽ thương lượng với Trung Quốc về COC, dự kiến quá trình tham vấn này sẽ diễn ra như thế nào, bao giờ sẽ hoàn tất được COC?

- Dự kiến SOM ASEAN sẽ trình các bộ trưởng ngoại giao ASEAN phê duyệt và đề nghị khởi động tham vấn ASEAN - Trung Quốc về COC. Tài liệu của ASEAN về các thành tố chính của COC nêu trên sẽ là cơ sở để ASEAN trao đổi quan điểm của mình với Trung Quốc.

Cũng phải khẳng định rằng đây mới là quan điểm từ phía ASEAN. ASEAN còn phải thương lượng cụ thể với phía Trung Quốc và quá trình này sẽ không phải dễ dàng vì quan điểm khác biệt của các bên.

Nhật Bản ủng hộ lập trường của Việt Nam về biển Đông

Chiều 1/7 tại Phủ thủ tướng Nhật Bản, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Noda Yoshihiko.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn và đánh giá cao việc Chính phủ Nhật Bản đã dành ODA cho Việt Nam ở mức cao nhất từ trước đến nay trong năm tài khóa 2011, cam kết sẽ sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Nhật Bản hiệu quả.

Phó thủ tướng đề nghị Thủ tướng Noda quan tâm chỉ đạo để các bộ ngành, doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với tiềm năng của hai nước cũng như việc triển khai thực hiện các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Thủ tướng Noda khẳng định tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp ODA và cho biết sẽ nghiên cứu các đề nghị của Việt Nam về việc tăng cường hợp tác, trong đó có việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thủ tướng Noda bày tỏ ủng hộ lập trường của Việt Nam về bảo đảm hòa bình, ổn định và tự do, an toàn hàng hải ở biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.

Theo Tuổi Trẻ/TTXVN/Chinhphu.vn

Bình luận
vtcnews.vn