• Zalo

Phá rừng ở Lâm Đồng: Cưa gần đứt gốc thông để cây vẫn đứng, khi gió lên mới đổ

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 15/04/2022 15:44:01 +07:00Google News

"Lâm tặc" phá rừng sử dụng cưa chạy bằng pin, lén lút cưa gần đứt gốc hàng chục cây thông nhiều năm tuổi để cây vẫn đứng, khi gió lên cây mới bất ngờ đổ hàng loạt.

Ngày 15/4, ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra vụ phá rừng tại Tiểu khu 270, thuộc địa phận thị trấn Nam Ban.

Đáng chú ý, đối tượng phá rừng đã sử dụng cưa chạy bằng pin, lén lút cưa gần đứt gốc hàng chục cây thông nhiều năm tuổi để cây vẫn đứng, khi gió lên cây mới bất ngờ đổ hàng loạt.

Theo thông tin từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà, vụ việc được phát hiện từ tháng 2/2022  đến nay. Qua tuần tra, cán bộ quản lý rừng thuộc đơn vị phát hiện các đối tượng lén lút dùng cưa chạy pin, cưa gần đứt gốc của 38 cây thông 3 lá, thuộc đối tượng rừng sản xuất, trồng từ năm 1994.

Phá rừng ở Lâm Đồng: Cưa gần đứt gốc thông để cây vẫn đứng, khi gió lên mới đổ - 1

Hiện trường vụ phá rừng tại Lâm Đồng - Ảnh: TTXVN

Đợt đầu vào tháng 2/2022, các đối tượng cưa 21 cây và đợt hai vào đầu tháng 3 là 15 cây. Số lượng gỗ thông bị thiệt hại 11,6m3, trên diện tích khoảng 1.300m2. Nhận định ban đầu của Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà là các đối tượng cưa hạ thông rừng để lấn chiếm đất.

Ngoài thông rừng bị cưa, trên Tiểu khu 270 lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý xuất hiện nhiều cây thông vừa chết đứng do các đối tượng khoan gốc và bơm thuốc diệt cỏ vào lỗ khoan để đầu độc.

Vị trí rừng bị phá nằm ngay gần đường tỉnh ĐT 725, gần các điểm du lịch như Thác Voi, Tượng Bồ tát Quan Thế Âm cao nhất Việt Nam nên đất đang rất có giá trị.

Đáng chú ý, phương thức phá rừng của các đối tượng này khá mới, manh động và đặc biệt nguy hiểm, khác phương thức khoan lỗ đầu độc cây hoặc ken cho cây chết từ từ như trước đây.

Các đối tượng cưa quanh gốc bằng máy cưa pin không gây tiếng động, chỉ cưa gần hết thân cây. Sau khi cưa xong, cây vẫn đứng nên rất khó phát hiện. Khi gió nổi lên, cả đám rừng đồng loạt đổ xuống theo hiệu ứng domino.

Đặc biệt, tình trạng này có thể gây nguy hiểm cho những người đi tuần tra bảo vệ rừng hoặc du khách vô tình cắm trại, tổ chức các hoạt động du lịch dưới tán rừng.

Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà đã vận chuyển toàn bộ số cây thông bị cưa đổ về tập kết trong khuôn viên của 2 đơn vị. Đơn vị quản lý rừng đã lập hồ sơ vụ việc, phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện điều tra thủ phạm vụ phá rừng nêu trên. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Hà, khối lượng gỗ bị hủy hoại chưa đủ theo quy định để khởi tố vụ việc trên.
(Nguồn: Tin tức TTXVN)
Bình luận
vtcnews.vn