• Zalo

PGS.TS Vũ Minh Khương: 'Khắc phục 3 điểm yếu cốt tử, thủy sản mở đường đưa Việt Nam đến phồn vinh'

Đầu TưThứ Hai, 27/01/2020 07:04:37 +07:00Google News
(VTC News) -

Việt Nam hiện là một trong những nước thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Xác định rõ thủy sản như một động lực mạnh, một đòn bẩy quan trọng đưa đất nước đi đến phồn vinh, nhưng, trong cuộc trò chuyện cùng VTC News, PGS.TS Vũ Minh Khương - Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - vẫn dẫn giải nhiều nỗi lo cho một trong những ngành kinh tế chủ lực của nước nhà.

Truyền cho ngư dân cảm hứng dân tộc

- 10 năm qua, tăng trưởng thủy sản của Việt Nam khá ấn tượng, với nhịp độ tăng bình quân về giá trị là 8,6% và về lượng là 5%. Nhưng theo ông, ngành thủy sản Việt Nam có hạn chế và thách thức nào?

Trong thời gian qua, ngành thủy sản phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa có hiệu quả cao, thiếu bền vững. Trên con đường đi lên phía trước, ngành thủy sản Việt Nam chắc chắn sẽ phải vượt qua những trở ngại và thách thức rất lớn.

Về nội tại, ngành bị hạn chế bởi ba điểm yếu cốt tử. Đó là: Thiếu tư duy phát triển bền vững, phương cách sản xuất chưa khoa học, và cấu trúc ngành còn manh mún, rời rạc. Để minh họa, tôi xin đưa ra một vài ví dụ. Chúng ta đang để nuôi trồng thủy sản làm ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Trong đánh bắt, chúng ta gia tăng sản lượng rất mạnh, làm tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn hải sản tự nhiên. Trong khi sản lượng đánh bắt của thế giới, kể cả Trung Quốc, cơ bản không tăng thì Việt Nam tăng trên 60% trong 10 năm qua.

Việt Nam là nước có mức lạm dụng rất cao về dùng hóa chất và chất kháng sinh, thường cao hơn mức cần thiết 20-25%, trong khi ý thức tôn trọng các tiêu chuẩn vệ sinh và kỹ thuật còn thấp. Vì vậy, tỷ lệ hàng Việt Nam bị trả lại bởi các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản vào loại cao nhất. Mặt khác, người nông dân nuôi trồng thủy sản do thiếu thông tin nên phải gánh nhiều rủi ro.

PGS.TS Vũ Minh Khương: 'Khắc phục 3 điểm yếu cốt tử, thủy sản mở đường đưa Việt Nam đến phồn vinh' - 1

PGS.TS Vũ Minh Khương.

- Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê duyệt trong năm 2019 là lợi thế lớn của thủy sản Việt Nam so với các nước khác. Thế nhưng, đã xảy ra nghịch lý khi lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn lao dốc. Nguyên nhân vì sao, thưa ông?

Khi thiếu tầm nhìn chiến lược và năng lực phối hợp thực thi, cơ hội có thể không đem lại thành quả vững bền.

Khi làm việc với các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam, tôi thấy nỗ lực nắm bắt và khai thác cơ hội khá tốt, nhưng năng lực kiến tạo cộng hưởng và xây dựng nền móng phát triển lâu dài còn rất hạn chế. Với một tầm nhìn chiến lược, doanh nghiệp cần hiểu rằng, khai thác một cơ hội quý chỉ hiệu quả nếu chúng ta hiểu rõ các thách thức đi kèm và dốc sức kiến tạo các điều kiện nền tảng để vượt qua những thách thức này.

Thiên lệch về nắm bắt cơ hội mà coi nhẹ nỗ lực thấu hiểu và vượt qua thách thức là những điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bởi vậy, hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có thể giúp một số doanh nghiệp bứt lên nhưng nhiều doanh nghiệp có thể thua thiệt do tranh mua, tranh bán, chụp giật cơ hội, làm cung tăng quá cầu. Biến cơ hội thành cuộc “chạy đua xuống đáy” là một nguy cơ chúng ta phải hết sức phòng tránh để không biến thuận lợi thành khó khăn, thua thiệt.

- Có nghĩa là gốc rễ chúng ta vẫn chưa tốt. Làm thế nào giải quyết triệt để vấn đề này, thưa ông?

Ba nguyên nhân gốc rễ có liên quan đến là tầm nhìn quốc gia, thể chế quản lý và chiến lược công ty.

Về tầm nhìn quốc gia, chúng ta chưa coi thủy sản là một ngành có tầm quan trọng chiến lược trong hành trình đưa đất nước đi đến phồn vinh mà dường như vẫn coi đây chỉ là một ngành kinh tế nông nghiệp đơn thuần.

Phải nói rằng, ngành thủy sản cần một sự ưu tiên đặc biệt vì tính vượt trội của nó trên ba tiêu chí chiến lược: Lợi thế bờ biển dài, nhiều đảo và khí hậu thuận lợi; Thủy sản là thực phẩm sẽ ngày càng được ưa chuộng trong các thập kỷ tới vì tính bổ dưỡng cho sức khỏe, và do vậy, giá trên đơn vị sản phẩm của thủy sản sẽ không ngừng gia tăng. Xuất khẩu thủy sản sẽ là một ngành kinh tế được hưởng lợi lớn từ đặc thù hội nhập sâu của nền kinh tế Việt Nam.

Về thể chế quản lý, chúng ta chưa tạo ra cơ chế ưu tú, sống động, tận tâm yểm trợ ngành thủy sản. Những ưu đãi hiện có thiết kế theo kiểu quan liêu bao cấp chứa đựng nhiều hiểm họa tham nhũng hơn là tạo nên sức phát triển vượt bậc cho ngành. Đặc biệt, cần ứng dụng KH-KT, tạo nên hệ sinh thái có sức gắn kết bền vững và tiềm tàng sức mạnh cộng hưởng.

Về chiến lược công ty, hầu hết các doanh nghiệp vẫn bị cuốn hút vào cơ hội ngắn hạn và thiếu tầm nhìn để xây dựng một nền móng cho tương lai lâu dài. Hạn chế này, một phần do bản thân doanh nghiệp, nhưng phần nhiều là do thiếu tầm nhìn quốc gia cho ngành và thể chế quản lý của ngành còn rất yếu. 

PGS.TS Vũ Minh Khương: 'Khắc phục 3 điểm yếu cốt tử, thủy sản mở đường đưa Việt Nam đến phồn vinh' - 2

Chúng ta có quyền hy vọng, thủy sản sẽ là ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

- Có lẽ vì thế nên câu chuyện tấm “thẻ vàng” từ EC chỉ dừng lại ở mức lo lắng. Không ít doanh nghiệp thủy sản Việt vẫn có dấu hiệu làm liều, thưa ông?

Chúng ta nên coi "thẻ vàng" từ EC là một động lực để đưa ngành thủy sản Việt Nam vượt lên. Tôi thấy Thái Lan là một tấm gương tốt. Khi gặp một thách thức lớn, người ta thường có hai cách lựa chọn chính: Xoay sở để vượt qua hoặc nâng cấp nền tảng để bay lên quỹ đạo cao hơn.

Trong khi cách thứ nhất nhanh và đơn giản hơn nhưng không làm chúng ta lớn lên mà vẫn luôn phải nơm nớp sợ sự cố sẽ quay lại bất kỳ lúc nào, thì cách thứ hai giúp chúng ta đứng vào đẳng cấp mới, thực sự lát những viên gạnh lớn trên con đường đưa dân tộc đến phồn vinh.

Về giải pháp, chúng ta cần công khai minh bạch và có giám sát chặt chẽ. Phải làm sao để mỗi doanh nghiệp và người sản xuất đều biết mình đang ở đâu trong hành trình tiến lên của ngành và đất nước. Ai đi đầu, ai đi cuối, tỉnh nào có nhiều người đi đầu, tỉnh nào có nhiều người đi cuối, tại sao?

Bên cạnh đó, cần có chế tài nghiêm minh, để các doanh nghiệp và nhà sản xuất khi nghĩ đến các lựa chọn làm tổn hại thương hiệu quốc gia sẽ thấy “không muốn” (vì không hiệu quả do bị thất thế trong bán hàng và thu hút người lao động giỏi); “không thể” (vì quy trình giám sát rất chặt chẽ) và “không dám” (vì nếu bị bắt sẽ bị phạt rất nặng, mức phạt này không nên là phạt hành chính đơn thuần mà phạt kinh tế vì làm tổn hại đến thương hiệu và hình ảnh quốc gia).

Ngoài ra, không chỉ ngành thủy sản mà các ngành khác đều cần coi trọng hơn văn hóa phát triển. Hiện nay, xã hội chúng ta đang bị thiếu hụt nghiêm trọng về văn hóa phát triển. Sự thiếu hụt này không chỉ làm con người không thấy có cảm nhận thiêng liêng là phải trồng cây cổ thụ để bóng mát cho đời sau mà còn giành giật chặt sạch rừng cây hiện có để làm nhà và kiếm lợi cho bản thân mình.

Chúng ta cũng cần truyền cho ngư dân cảm hứng dân tộc, thấy hổ thẹn vì để đất nước bị “thẻ vàng”, thấy có trách nhiệm chung tay để đất nước không chỉ vượt qua thách thức này mà tiến lên trở thành một quốc gia có ngành thủy sản tiên tiến.

Thủy sản sẽ khẳng định Việt Nam là quốc gia phát triển vào trước 2045

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Hàng triệu lao động đã khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên. Đã đến lúc chuyển từ khai thác sang phát triển nuôi biển, để giữ tài nguyên cho đời sau”. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Đây là một hướng đi rất đúng, có tầm chiến lược. Tôi thấy chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm nhiều nước, đặc biệt là Na Uy và Trung Quốc trong lĩnh vực này. Sản lượng đánh bắt trên biển không nên tăng, nếu không nói là nên giảm đôi chút, trong khi sản lượng nuôi trồng có thể tăng nhanh theo nhu cầu thị trường, thậm chí ở mức tăng trưởng hai con số.

Na Uy dự kiến tăng xuất khẩu thủy sản của họ 5-6 lần trong ba thập kỷ tới chủ yếu nhờ phương thức nuôi biển này.

 

 
Thủy sản sẽ là ngành kinh tế tiên phong góp phần khẳng định vị thế Việt Nam là một quốc gia phát triển vào trước năm 2045

PGS.TS Vũ Minh Khương

- Theo ông, chiến lược quan trọng nhất cho xuất khẩu thủy sản Việt là gì? Phải chăng là tập trung mọi nguồn lực xây dựng thương hiệu thủy sản?

Về xây dựng thương hiệu thủy sản Việt Nam, chúng ta không thể làm nhanh chóng mà cần có bước đi bài bản chiến lược. Kinh nghiệm quốc tế trong thiết lập Hội đồng Xuất khẩu Thủy sản (HĐXKTS) để xây dựng thương hiệu là khá hay. Nó thể hiện ở ba trách nhiệm chính của HĐXKTS.

Thứ nhất, làm mọi người biết và thích sản phẩm thủy sản Việt Nam; Thứ hai, cung cấp thông tin thị trường - công nghệ và phân tích cần thiết để giúp các doanh nghiệp thủy sản và người nuôi trồng có quyết định và chiến lược sáng suốt. Thứ ba, xúc tiến và bảo vệ thương hiệu thủy sản Việt. Để HĐXKTS có kinh phí, Nhà nước cho thu phí xuất khẩu thủy sản ở mức 0,1-02% giá trị xuất khẩu.

- Vậy làm thế nào để phát triển thuỷ sản Việt Nam thành một ngành sản xuất hàng hóa có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới trên cơ sở khai thác những tiềm năng, thưa ông?

Với Việt Nam, thủy sản là ngành kinh tế có tính chiến lược rất cao. Nó hội tụ lợi thế cạnh tranh quốc gia và xu thế gia tăng rất nhanh về nhu cầu toàn cầu.

Số liệu cho thấy, tỷ trọng quốc tế của ngành thủy sản Việt Nam về cả giá trị và số lượng đều cao nhiều lần so với tỷ trọng của Việt Nam trong GDP toàn cầu. Trong khi đó, giá trị ngành thủy sản cũng tăng nhanh hơn nhiều so với GDP. Nghĩa là, Việt Nam có thể dựa vào ngành thủy sản như một động lực mạnh, một đòn bẩy quan trọng trong nỗ lực đưa đất nước đi đến phồn vinh.

Với tư duy đó, chúng ta cần đưa ra tầm nhìn quốc gia cho ngành thủy sản: Thủy sản sẽ là ngành kinh tế tiên phong góp phần khẳng định vị thế Việt Nam là một quốc gia phát triển vào trước năm 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm Độc lập.

Để đi tới tầm nhìn thôi thúc này, theo tôi, Chính phủ cần có những thảo luận sâu sắc với doanh nghiệp, người lao động và chuyên gia để hoạch định một chiến lược 25 năm (2020-2045) cho ngành. Trong đó, ngành sẽ được ưu tiên đặc biệt (“đặc khu”) trong cải cách thể chế. Trong nỗ lực này, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm của Singapore trong việc chuyển Tổng cục Thủy sản thành một cục tác nghiệp (statutory board), hoạt động như công ty.

Cục được giao sứ mệnh đưa ngành thủy sản lên vị thế tiên tiến trong 20-25 năm tới, trong đó Na Uy, Thái Lan, và Trung Quốc là những quốc gia đánh giá hiệu quả hoạt động của Cục. Nhận sứ mệnh này, Cục phải hoạch định một chiến lược sáng rõ và mạnh lạc, với một hội đồng quản trị ưu tú. Cục được cơ chế “đặc biệt” trong tổ chức bộ máy, thu hút người tài và trả lương, phải báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm và tổng kết sâu sắc các bài học để giúp ngành phát triển nhanh hơn trong các năm tới. Báo cáo này công khai để toàn dân được biết. Kết quả không xuất sắc thì Hội đồng Quản trị phải sớm tìm người thay thế để đảm bảo người đứng đầu luôn là người ưu tú và tâm huyết, xứng đáng nhất cho trọng trách này. Kinh phí cho hoạt động của Cục sẽ dựa trên phí xuất khẩu thủy sản, không quá 1% giá trị xuất khẩu.

Bên cạnh đó, chúng ta cần thành lập HĐXKTS để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản theo ba trách nhiệm chính như tôi đã nói ở phần trên.

Một khi Nhà nước đi đầu trong nỗ lực đưa ngành thủy sản Việt Nam tiến lên vượt bậc, các doanh nghiệp và người lao động sẽ tiến còn nhanh hơn. Một khí thế hào hứng và ý thức sứ mệnh sẽ bùng phát. Nó không chỉ làm mỗi doanh nghiệp và cá nhân nỗ lực cao hơn mà còn tạo nên hiệu ứng cộng hưởng – Sức mạnh tiềm ẩn vô song của dân tộc Việt Nam.

Như vậy, chúng ta có quyền hy vọng, thủy sản Việt Nam sẽ là ngành kinh tế không chỉ có đóng góp ngày càng quan trọng vào nền kinh tế đất nước, mà còn tạo cảm hứng là người tiên phong mở đường đưa dân tộc đi đến vị thế phồn vinh, hùng cường.

Thái Linh
Bình luận
vtcnews.vn