• Zalo

Giám đốc Bệnh viện K bác bỏ thông tin 'Việt Nam có tỉ lệ chết vì ung thư cao nhất thế giới'

Sức khỏeThứ Sáu, 26/05/2017 07:53:00 +07:00Google News

"Thông tin từ nhiều bài báo gần đây cho rằng, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới là không chính xác", TTƯT.PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương nói.

Sau khi Báo Sức khỏe&Đời sống có bài viết "Giám đốc BV K nói gì về cách điều trị ung thư lan truyền trên facebook?", chiều ngày 25/5, BV K Trung ương đã tổ chức buổi gặp gỡ báo chí thông tin cụ thể hơn về bệnh ung thư và các phương pháp điều trị căn bệnh này hiện nay.

Dự và chủ trì buổi gặp gỡ báo chí có các chuyên gia đầu ngành về ung thư, gồm: PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư; PGS.TS Lê Văn Quảng, Trưởng Bộ môn Ung thư, trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Ngoại A, bệnh viện K; TS.BS Bùi Vinh Quang, Trưởng khoa Xạ 5, bệnh viện K; TS.BS Nguyễn Tiến Quang, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện K cùng rất nhiều phóng viên báo đài khác.

Hinh anh

PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương. 

Bệnh nhân ung thư tăng cao, dự kiến vượt 190.000 ca vào năm 2020

PGS.TS Trần Văn Thuấn cho biết: Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, Việt Nam có khoảng 94.000 người chết vì ung thư/năm. Có 172 quốc gia được báo cáo thì tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là quốc gia đứng thứ 78, xếp theo tỷ lệ tử vong từ cao xuống thấp.

Như vậy, thông tin từ nhiều bài báo gần đây cho rằng Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư cao nhất thế giới là không chính xác. Cũng như các nước trên thế giới, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt 190.000 ca vào năm 2020. Bệnh gặp ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý và mọi ngành nghề khác nhau.

Tỷ lệ BN được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả tăng rõ rệt

Theo PGS. Thuấn, cùng với sự tiến bộ nói chung của nền Y học thế giới và Việt Nam, tại Bệnh viện K, trình độ và kỹ thuật phát triển đã giúp tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán sớm và điều trị ung thư hiệu quả đã tăng lên rõ rệt. PGS. Thuấn khẳng định, việc điều trị bệnh ung thư càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, khả năng chữa khỏi càng cao.

Hinh anh  3

Các chuyên gia tại buổi thông tin với báo chí về bệnh ung thư. 

PGS. Thuấn cũng nhấn mạnh một lần nữa về ý kiến cho rằng “Phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay quá lỗi thời và lạc hậu, không hiệu quả dẫn đến số bệnh nhân tử vong nhiều; hóa chất chưa tìm diệt được tế bào ung thư đã tàn phá lục phủ ngũ tạng của người bệnh dẫn đến tử vong”.

Đây là phát biểu không có cơ sở khoa học. Các hướng dẫn của các tổ chức ung thư hàng đầu thế giới như Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ, Hội Ung thư châu Âu khẳng định, hoá trị vẫn là một trong các phương pháp quan trọng điều trị ung thư.

Bên cạnh có thể điều trị khỏi một số ung thư, hóa trị có thể ngăn chặn được tiến triển của ung thư, giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh ung thư. Các độc tính của hoá trị hầu hết có thể kiểm soát được.

Nếu chỉ định đúng, hợp lý, hoá trị sẽ mang lại hiệu quả điều trị và các tác dụng phụ có thể chấp nhận được hay nói cách chuyên môn là người bệnh dung nạp được điều trị.

Hiện nay có thể chia các phương pháp điều trị ung thư thành 4 nhóm chính, các phương pháp này đã được thử nghiệm, có minh chứng rõ ràng và đã được các trung tâm ung thư trên toàn thế giới áp dụng.

- Điều trị phẫu thuật: Chỉ định cho ung thư giai đoạn khối U khu trú. Phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị triệt căn ung thư giai đoạn sớm

- Điều trị xạ trị là sử dụng tia bức xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị là phương pháp căn bản và thiết yếu để điều trị ung thư, WHO xếp xạ trị là một trong các phương pháp quan trọng nhất để điều trị và kiểm soát ung thư. 50-70% bệnh nhân ung thư có chỉ định xạ trị.

Chỉ định xạ trị tùy theo loại ung thư, giai đoạn bệnh, type mô bệnh học... Xạ trị có thể tiến hành điều trị đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa chất.

- Điều trị hoá chất là sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Nghiễm nhiên độc cho tế bào ung thư nhiều hơn độc cho tế bào lành của cơ thể. So với hiệu quả đem lại, các tác dụng phụ do hoá trị là có thể chấp nhận và kiểm soát được.

Hoá trị chỉ định chủ yếu cho ung thư giai đoạn di căn, sau đó là vai trò bổ trợ cho ung thư giai đoạn khu trú sau điều trị tại chỗ, có nguy cơ cao tái phát di căn.

- Điều trị nhắm đích (Targeted therapy) là sử dụng các thuốc ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư bằng cách cản trở các phân tử đặc hiệu liên quan đến quá trình sinh ung thư và sự phát triển của khối u.

Video: Người Việt bị ung thư vú ngày càng trẻ

Bởi vì các nhà khoa học gọi các phân tử này là phân tử đích (moleculer targets), nên các phương pháp điều trị ngăn cản chúng gọi là điều trị nhắm đích phân tử (moleculerly target therapies). Bao gồm các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody – mab) và các thuốc phân tử nhỏ (small-molecule drugs, inhibitor – ib).

Trước những dư luận nhiều chiều về cách điều trị ung thư lan truyền trên mạng xã hội, các nhà khoa học bệnh viện K và Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư đã đưa ra những lời khuyên cho người dân, nhất là với những bệnh nhân ung thư trong việc phòng và điều trị căn bệnh này.

Theo đó, người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế, các hiệp hội ung thư uy tín.

Đặc biệt bệnh nhân ung thư cần hỏi bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình thật nhiều để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng.

Điều trị ung thư là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể hiệu quả. Không nên dễ dàng cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị chính thống vì lựa chọn các phương pháp không chính thống, chưa có cơ sở khoa học.

(Nguồn: Sức khỏe đời sống)
Chuyên đề: Ung thư
Bình luận
vtcnews.vn