Tại Điều 17 Nghị định 137/2020 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng pháo cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hoá nghệ thuật.
Nghị định cũng yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Nghị định có hiệu lực kể từ 11/1/2021.
Liên quan vấn đề này, trả lời PV VTC News, PGS TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, Nghị định 137/2020 của Chính phủ đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
“Trước đây, chúng ta nghiêm cấm nhưng việc bắn pháo vẫn diễn ra. Bây giờ, chúng ta cởi mở hơn, mặc dù việc bắn pháo có tiếng nổ chưa hẳn cấm được nhưng dù sao cũng đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ở đây không phải chúng ta không quản lý được mà phải “nhượng bộ”. Có sự “nhượng bộ” này là vì văn hóa truyền thống.
Tôi tin, tăng cường việc quản lý, hướng dẫn và với sự chấp nhận của người dân sẽ làm cuộc sống tốt hơn, đi vào trật tự hơn.
Bên cạnh đó, bắn pháo hoa trong ngày lễ, tết cũng làm cho cuộc sống vui vẻ, người dân được thỏa mãn nhu cầu của mình, việc “thách thức” những quy định không được bắn pháo của Nhà nước cũng giảm đi”, PGS.TS Lê Quý Đức thông tin.
Tuy vậy, PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng, theo yêu cầu của Nghị định, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa sẽ làm việc sản xuất pháo hoa trong nước tốt hơn, nhưng tất cả những người có “năng lực hình vi dân sự đầy đủ” chưa hẳn mua pháo hoa của cơ sở sản xuất, vẫn có thể trà trộn vào đó pháo hoa lậu.
Vì vậy, theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, bên cạnh tăng cường công tác quản lý của Nhà nước, chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng pháo hoa.
Trả lời PV VTC News, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho biết, ông ủng hộ Nghị định trên của Chính phủ nhưng ủng hộ có điều kiện, kèm theo đó phải có hướng dẫn cụ thể như pháo hoa thế nào mới được phép sử dụng, đốt ở đâu, không gian nào…
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Trung Quốc, Nhà nước phải nghiên cứu, giám sát thật kỹ việc bắn pháo hoa, nâng cao ý thức người dân, đồng thời có chế tài xử lý những trường hợp vi phạm trong việc bắn pháo; công nghệ sản xuất pháo phải nghiêm túc, đảm bảo tính an toàn.
Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh, văn hóa không có gì là cấm mãi mãi, phải ứng biến cho phù hợp với hoàn cảnh. Và Nghị định 137/2020 thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới nhu cầu văn hóa.
“Trước đây, chúng ta sử dụng nhiều pháo Bình Đà nhưng sản xuất theo lối truyền thống, tức là dùng những nhiên liệu an toàn. Sau này, chúng ta lạm dụng đưa thuốc nổ vào thì tác hại rất lớn. Vì vậy, quản lý xã hội phải được làm rất chặt ở các khâu”, ông Dương Trung Quốc nói.
Cũng theo đại biểu Dương Trung Quốc, nếu bắn pháo hoa đúng quy cách, yêu cầu thì hoàn toàn tốt, mang lại niềm vui cho mọi người và ngược lại phải xử lý.
Ý thức của người dân tăng lên thì cách sử dụng, chơi pháo hoa sẽ thay đổi dần. Nhiều nước trên thế giới vẫn bắn pháo hoa, chúng ta phải đặt câu hỏi, tại sao họ làm được, mình không làm được. Các sự cố xảy ra phải được điều chỉnh lại.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết, bắn pháo hoa trong các trường hợp: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hoá nghệ thuật đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, không gây nguy hiểm cho mọi người và vẫn tạo được không khí vui vẻ thì chúng ta nên ủng hộ.
Bình luận